‘Đầu tư bạc tỷ mở quán cà phê khởi nghiệp rồi âm thầm dẹp tiệm’

Ngày nay, nhiều bạn trẻ dường như đồng nhất “khởi nghiệp” với việc “mở quán cà phê”. Trong số những người trẻ tôi biết có ý định khởi nghiệp, phần lớn chọn mở quán cà phê với đủ loại phong cách, ý tưởng và mô hình khác nhau.

Tôi đã chứng kiến nhiều quán cà phê khai trương rầm rộ với sự đầu tư lớn: không gian thiết kế theo những concept độc đáo, sang trọng hoặc cá tính; thực đơn đa dạng, hợp thời; chiến dịch truyền thông bài bản và mặt bằng ở vị trí đắc địa với giá thuê cao. Mỗi quán đầu tư ít nhất vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần lớn trong số đó phải đóng cửa chỉ sau vài tháng đến một, hai năm. Những chủ quán này lại quay về với công việc văn phòng, nơi họ từng muốn thoát ra bằng “giấc mơ khởi nghiệp”. Rất ít người có thể trụ lại với việc kinh doanh của mình.

Tôi tự hỏi: Tại sao lại là quán cà phê? Tại sao người trẻ không chọn những mô hình ít rủi ro hơn hoặc thử sức ở các ngành nghề khác mà xã hội đang cần?

Có lẽ vì cà phê là lĩnh vực “trông có vẻ dễ làm”? Hay vì việc tạo ra một không gian đẹp, một menu mới mẻ và chạy quảng cáo trên mạng xã hội khiến người ta cảm thấy mình đang “sáng tạo và khác biệt”? Hoặc do ảnh hưởng từ trào lưu “startup lifestyle”, nơi quán cà phê không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là biểu tượng cho sự tự do và cá tính?

Thực tế cho thấy, thị trường F&B, đặc biệt là quán cà phê, cực kỳ cạnh tranh. Ngay cả khi bạn có concept độc đáo, đồ uống ngon và truyền thông tốt, điều đó không đảm bảo khách hàng sẽ quay lại thường xuyên. Thói quen tiêu dùng cà phê của người Việt rất đa dạng. Nhiều quán “cóc” vỉa hè với bàn ghế nhựa đơn sơ, chủ quán lớn tuổi không biết gì về quảng cáo trên Facebook, nhưng vẫn đông khách từ sáng đến tối.

Điều này cho thấy giá trị thật sự không nằm ở vẻ ngoài. Một ly cà phê ngon, giá cả hợp lý, không gian thân thiện và sự chân thành của người bán đôi khi lại là yếu tố giữ chân khách hàng lâu dài hơn cả những concept tiền tỷ hay menu hào nhoáng.

Tinh thần dám nghĩ dám làm của người trẻ là điều đáng quý, nhưng nếu chỉ vì thấy người khác làm rồi “hứng lên” mở quán cà phê mà không có hiểu biết, kế hoạch dài hạn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì rủi ro là khó tránh khỏi.

Khởi nghiệp không phải là sai, nhưng đừng để đam mê che mờ tính thực tế. Có rất nhiều hướng đi khác trong xã hội, từ các ngành kỹ thuật, nông nghiệp, giáo dục, công nghệ đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi. Những lĩnh vực này có thể không hào nhoáng, không có những góc “sống ảo”, nhưng lại giải quyết được những vấn đề thực tế và bền vững hơn.

Thay vì lao vào mở quán cà phê như một trào lưu, người trẻ nên dành thời gian tìm hiểu bản thân, quan sát thị trường và bắt đầu từ những điều nhỏ nhất nhưng đúng đắn. Hãy nhớ rằng, khởi nghiệp không phải để thoát khỏi công việc hành chính 8 tiếng mà là để tạo ra giá trị thực sự và tồn tại lâu dài.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *