Sau khi rời chính quyền Tổng thống Donald Trump vào ngày 30/5, kết thúc 130 ngày đảm nhiệm vai trò dẫn dắt Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), tỷ phú Elon Musk vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể lên cơ quan này. DOGE, được thành lập ngay khi ông Trump nhậm chức, có nhiệm vụ chính là tinh giản bộ máy liên bang và cắt giảm lãng phí.

Hiện nay, DOGE đang đối mặt với sự chia rẽ nội bộ. Một mặt, nhiều nhân viên trung thành với Elon Musk muốn bảo toàn những thành quả và quyền hạn đã đạt được. Mặt khác, một số quan chức Nhà Trắng tìm cách hạn chế vai trò của DOGE, đặc biệt sau khi mối quan hệ giữa ông Trump và ông Musk trở nên căng thẳng, đỉnh điểm là cuộc đấu khẩu gay gắt từ ngày 5/6. Sự đối lập này đã tạo ra tình trạng hoang mang trong cơ quan, với việc nhân viên DOGE bị hỏi về lòng trung thành của họ đối với Tổng thống Trump hay ông Musk.
Sự ảnh hưởng của Elon Musk được thể hiện rõ qua Steve Davis, người được xem là “cánh tay phải” của tỷ phú trong việc điều hành DOGE. Davis, lãnh đạo của The Boring Company do Musk sáng lập, được cho là vẫn thường xuyên liên lạc với nhân viên DOGE qua ứng dụng nhắn tin Signal, dù Nhà Trắng thông báo ông đã rời cơ quan này vào cuối tháng 5. Davis thậm chí còn khẳng định với một số người rằng thông tin về việc ông nghỉ việc là “bịa đặt”.
Bản thân tỷ phú Musk cũng giữ liên lạc với đội ngũ DOGE. Trong một cuộc gặp ngày 10/6, Musk và Davis đã trấn an các nhân sự chủ chốt của DOGE rằng CEO Tesla vẫn tiếp tục ủng hộ công việc của họ và khuyến khích họ kiên trì với hướng đi đã chọn.
Trong thời gian hoạt động, DOGE đã can thiệp sâu vào các hoạt động của chính phủ, cắt giảm nhân sự và ngân sách, nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi về giới hạn quyền lực, dẫn đến các vụ kiện và làm dấy lên lo ngại về việc tiếp cận dữ liệu nhạy cảm của chính phủ.
Hiện tại, phe ủng hộ Musk đang nỗ lực hoàn thành các công việc còn dang dở để chuyển sang giai đoạn “DOGE 2.0”, tập trung vào cải tổ các trang web chính phủ và hệ thống công nghệ thông tin, thay vì chỉ cắt giảm nhân sự. Họ đã tiếp cận Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles vào cuối tháng 6, nhấn mạnh rằng DOGE sắp kết thúc “giai đoạn phá bỏ” để bắt đầu “chế độ phát triển”. Một quan chức Nhà Trắng xác nhận rằng bà Susie đã lắng nghe nhưng chưa đưa ra quyết định lớn nào.

Tuy nhiên, một số quan chức chính quyền lại lo ngại về việc đặt niềm tin vào những nhân viên DOGE còn trung thành với Musk, cho rằng ông Musk và ông Davis có thể đang duy trì “vòi bạch tuộc” trong chính phủ để phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp của họ.
Chính quyền Tổng thống Trump đã tăng cường giám sát hoạt động của DOGE và đảo ngược một số quyết định của cơ quan này. Nhà Trắng trao quyền kiểm soát nhiều hơn cho lãnh đạo các cơ quan đối với nhân viên DOGE được biệt phái đến từ Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp. Thậm chí, lãnh đạo Cơ quan An sinh Xã hội Frank Bisignano đã phải tìm đến Nhà Trắng để xin chỉ đạo về vấn đề này.
Không chỉ gặp trở ngại từ Nhà Trắng, nhóm thân Musk còn đối mặt với phản ứng ngay trong nội bộ DOGE. Các quan chức DOGE lo ngại rằng Davis vẫn có thể tiếp cận thông tin nhạy cảm của chính phủ thông qua các liên hệ tại cơ quan. Một số đã trình bày quan điểm với giới chức Nhà Trắng, dẫn đến việc Davis tức giận và kêu gọi sa thải những người này.
Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa ông Trump và Musk không có dấu hiệu cải thiện. Musk tuyên bố sẽ lập đảng mới mang tên “Nước Mỹ”, trong khi ông Trump chỉ trích Musk “hoàn toàn đi chệch hướng” và cho rằng việc thành lập đảng mới chỉ mang lại “sự phá hoại và hỗn loạn hoàn toàn”. Tổng thống Trump thậm chí còn cảnh báo DOGE là “con quái vật có thể quay lại nuốt chửng” ông Musk, nhắm vào các khoản trợ cấp cho Tesla.
Admin
Nguồn: VnExpress