Việc sắp xếp lại địa giới hành chính trên cả nước từ ngày 1/7, giảm số lượng tỉnh thành từ 63 xuống còn 34, cùng với việc vận hành chính quyền hai cấp (tỉnh, xã/phường), đã gây ra không ít bối rối cho doanh nghiệp. Sau 10 ngày, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp tình trạng hệ thống báo lỗi khi thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến liên quan đến thuế.
Một đại diện doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lớn tại TP HCM cho biết, dù đã chủ động cập nhật địa chỉ mới trên hệ thống hóa đơn điện tử, nhưng vẫn gặp vướng mắc. Cụ thể, hệ thống phần mềm kế toán không tự động đồng bộ với những khách hàng chưa kịp thời cập nhật địa chỉ mới, buộc kế toán phải kiểm tra, đối chiếu thủ công mỗi khi xuất hóa đơn. Với hơn 1.000 hóa đơn phát hành mỗi ngày, việc điều chỉnh thủ công là một thách thức lớn.
Tương tự, một doanh nghiệp dịch vụ du lịch nhỏ tại Hà Nội cũng cho biết, việc kiểm tra lại địa chỉ của từng đối tác cùng với hệ thống chậm chạp khiến họ mất 30-40 phút để xuất một hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc nộp thuế do thay đổi cơ cấu tổ chức và tên gọi của cơ quan thuế sau sáp nhập. Tên đơn vị thụ hưởng mới chưa được cập nhật đồng bộ trong hệ thống ngân hàng, gây khó khăn trong việc lập chứng từ nộp thuế.
Theo Cục Thuế, hệ thống thuế điện tử đã được chuyển đổi và cập nhật dữ liệu mới, cơ bản hoạt động trơn tru trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc đồng bộ dữ liệu với các cơ quan liên thông với cơ quan thuế vẫn đang được hoàn tất.
Bà Lê Thị Yến, CEO Công ty TNHH Tư vấn Thuế Hà Nội (Hanoitax), cho rằng trở ngại kỹ thuật lớn nhất là khâu đồng bộ dữ liệu trong phần mềm nội bộ của doanh nghiệp sau khi hệ thống của cơ quan thuế đã cập nhật danh mục địa bàn hành chính. Nhiều người dùng vẫn gặp lỗi do chưa cập nhật phần mềm kịp thời, chẳng hạn như lỗi không thể kết xuất tờ khai do chưa cập nhật “Thông tin doanh nghiệp”.
Trong trường hợp này, bà Yến khuyến nghị kế toán phải vào menu “Hệ thống”, chọn lại tỉnh thành, địa chỉ trụ sở, cơ quan thuế quản lý theo dữ liệu mới rồi mới lập được tờ khai. Đối với Cổng Thuế điện tử (eTax) trực tuyến, dữ liệu địa chỉ đã được cơ quan thuế tự động điều chỉnh, do đó việc nộp tờ khai trực tuyến chủ yếu chỉ bị chậm lại do thời gian nâng cấp hệ thống.
Về hóa đơn điện tử, cơ quan thuế đã tự động chuyển đổi địa chỉ theo danh mục mới cho các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử miễn phí trên hệ thống của cơ quan thuế. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp dùng dịch vụ của tổ chức trung gian, trách nhiệm cập nhật địa bàn thuộc về nhà cung cấp phần mềm. Trong trường hợp nhà cung cấp chưa kịp cập nhật, doanh nghiệp có thể tiếp tục xuất hóa đơn với hệ thống hiện tại mà không bị xem là vi phạm, nhưng về lâu dài nên chủ động kiểm tra và yêu cầu đơn vị cung cấp hóa đơn cập nhật thông tin địa chỉ mới.
Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự cũng liên tục nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp về vướng mắc trong thủ tục cập nhật lại địa chỉ trên giấy tờ pháp lý, hệ thống thuế và tài khoản ngân hàng. Nhiều hồ sơ bị treo hoặc bị trả về do lỗi không khớp địa chỉ, ví dụ như thông tin trên căn cước công dân điện tử không khớp với hệ thống địa chỉ hành chính mới.
Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh gặp lỗi khi nộp tờ khai thuế điện tử do thông tin địa chỉ không khớp sau khi địa phương sáp nhập. Để khắc phục, doanh nghiệp buộc phải cập nhật lại toàn bộ thông tin địa chỉ mới trên hệ thống kê khai trước khi lập tờ khai mới.
Doanh nghiệp cũng băn khoăn khi địa chỉ của người bán trong cơ sở dữ liệu thuế đã chuyển sang tên mới nhưng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có thể vẫn ghi tên cũ. Tuy nhiên, cơ quan thuế cho phép tiếp tục xuất hóa đơn như bình thường mà không bị phạt, kể cả trường hợp thông tin địa chỉ trên hóa đơn chưa kịp điều chỉnh. Doanh nghiệp có thể tiếp tục sử dụng giấy đăng ký kinh doanh hiện có và chủ động cập nhật địa chỉ mới khi thấy cần thiết hoặc khi làm thủ tục thay đổi thông tin khác.
Tại buổi họp với Cục Thuế, các đơn vị cung cấp giải pháp cam kết đồng hành trong quá trình vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tăng cường đường truyền, cải thiện hiệu năng máy chủ, nâng cấp hệ thống giám sát và cảnh báo lỗi tự động, và hỗ trợ kỹ thuật 24/7.
Phó cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn đề nghị các đơn vị khẩn trương thiết lập và vận hành đường dây nóng, kết nối với 34 Thuế tỉnh thành để tiếp nhận, xử lý thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính thuế. Ban Chuyển đổi số được giao phối hợp với Ban Nghiệp vụ thuế kết nối, chia sẻ dữ liệu thường xuyên với các đơn vị cung cấp giải pháp, các bộ ngành, đơn vị chức năng của Bộ Tài chính để đảm bảo cập nhật hàng ngày thông tin từ các địa phương về lỗi kỹ thuật, kết nối, vướng mắc trong xử lý hồ sơ.
Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina cho biết đã chủ động chuẩn bị từ sớm, mọi thủ tục liên quan đến thuế đều diễn ra nhịp nhàng.
CEO Hanoitax khuyến nghị người nộp thuế gặp vướng mắc cần liên hệ ngay với các kênh hỗ trợ của cơ quan thuế trong quá trình sắp xếp, thay đổi địa giới hành chính. Với gần 1 triệu doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước, việc gặp vướng mắc là khó tránh khỏi, và việc hỗ trợ kịp thời từ cơ quan thuế là rất quan trọng.
Admin
Nguồn: VnExpress