Báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn máy bay Boeing 787 của hãng Air India, chở theo 242 người, được Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) công bố ngày 11/7, hé lộ những chi tiết bất thường. Theo đó, các công tắc điều khiển nhiên liệu của cả hai động cơ đã bị chuyển từ vị trí “hoạt động” sang “ngắt” chỉ trong vòng một giây trước khi máy bay giảm tốc độ.
Dữ liệu từ hộp đen cho thấy sự việc xảy ra chỉ vài giây sau khi máy bay rời mặt đất, dẫn đến việc động cơ mất lực đẩy. Trong đoạn ghi âm buồng lái, một phi công đã hỏi người còn lại về việc ngắt nhiên liệu, nhưng người này phủ nhận hành động đó. Báo cáo không xác định rõ ai là cơ trưởng, ai là cơ phó trong cuộc hội thoại.

Mặc dù tổ bay đã nhanh chóng gạt công tắc trở lại vị trí hoạt động và phát tín hiệu khẩn cấp “Mayday”, cả hai động cơ đều khởi động lại thành công, nhưng một chiếc đã không thể khôi phục lực đẩy kịp thời, khiến chiếc Boeing 787 vẫn bị rơi.
Báo cáo sơ bộ đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, song các chuyên gia cho rằng nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Điều tra hiện chưa làm rõ nguyên nhân công tắc nhiên liệu bị chuyển sang trạng thái ngắt là do vô tình, cố ý hay lỗi kỹ thuật.
Chuyên gia an toàn hàng không Geoffrey Dell, người có kinh nghiệm tham gia nhiều cuộc điều tra tai nạn máy bay, nhận định việc cả hai công tắc bị ngắt trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là rất khó lý giải. Ông nhấn mạnh, mỗi công tắc đều yêu cầu hai thao tác để điều khiển và không thể bị tác động một cách vô ý.

Cấu tạo của công tắc nhiên liệu bao gồm khung bảo vệ chống gạt nhầm và cơ chế khóa chặn. Để chuyển trạng thái, phi công phải nắm vào núm công tắc và nhấc lên, loại trừ khả năng vô tình tác động. Khi công tắc ở trạng thái hoạt động, van cấp dầu mở, cung cấp nhiên liệu cho động cơ. Ngược lại, khi công tắc ở trạng thái ngắt, nguồn nhiên liệu bị chặn và động cơ ngừng hoạt động.
Ông Dell cho rằng việc phi công cố tình ngắt nhiên liệu của cả hai động cơ ngay sau khi cất cánh là điều “kỳ lạ”, vì tình huống này không có trong bất kỳ kịch bản huấn luyện nào. Ông so sánh hành động này với việc tắt động cơ khi máy bay đã hạ cánh và cài phanh.

Một giả thuyết khác được đưa ra là cơ chế khóa chặn của công tắc nhiên liệu có thể đã bị hỏng.
Trước đó, vào năm 2018, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ban hành thông tin về nguy cơ “khóa chặn công tắc nhiên liệu bị vô hiệu hóa”. Tuy nhiên, FAA không coi đây là tình trạng mất an toàn và chỉ đưa ra khuyến cáo, không yêu cầu các nhà sản xuất hay hãng vận hành phải khắc phục. Do đó, Air India đã không tiến hành kiểm tra đồng loạt trên các dòng máy bay của hãng.
Ông Dell cho rằng hộp đen sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ cách thức công tắc bị chuyển trạng thái. Tuy nhiên, AAIB vẫn chưa công bố bản ghi âm đầy đủ cuộc trò chuyện giữa hai phi công. Theo ông, việc thiếu dữ liệu này gây khó khăn cho việc hiểu rõ những gì đã xảy ra.
Ehsan Khalid, một chuyên gia hàng không và cựu phi công quân sự Ấn Độ, cho rằng những phát hiện trong báo cáo sơ bộ đặt ra câu hỏi về vị trí lắp đặt công tắc nhiên liệu và cần được điều tra kỹ lưỡng hơn. Ông cũng nhấn mạnh rằng không nên vội vàng đổ lỗi cho các phi công.
Ông Khalid nhận định báo cáo sơ bộ của AAIB chỉ có thể kết luận chắc chắn rằng tai nạn xảy ra do hai động cơ mất lực đẩy. Các phi công đã nhận thức được vấn đề và không có hành động cố ý gây ra sự cố.
Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ấn Độ Mohan Naidu kêu gọi không nên đưa ra kết luận vội vàng, đồng thời cho biết báo cáo đầy đủ về vụ tai nạn dự kiến sẽ được công bố sau khi quá trình điều tra toàn diện kết thúc trong vài tháng tới.
Admin
Nguồn: VnExpress