Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và TikTok lan truyền những thông tin sai lệch về axit folic, cho rằng chất này có thể gây độc tính hoặc thậm chí là ung thư, đặc biệt đối với những người mang biến thể gen MTHFR.
Một số bài đăng trên Facebook còn khẳng định rằng ngũ cốc tăng cường dinh dưỡng thực chất không hề bổ dưỡng hơn, vì chúng được bổ sung axit folic tổng hợp, một dạng hóa học nhân tạo của vitamin B9. Trên TikTok, nhiều người dùng cũng chia sẻ những tuyên bố tương tự, cho rằng axit folic chưa chuyển hóa có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và có liên quan đến ung thư.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã bác bỏ những thông tin sai lệch này. Theo AFP, axit folic là một dạng vitamin B tổng hợp, rất dễ hấp thụ và đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể. Cơ thể cần folate để tạo DNA và chuyển hóa protein. Đặc biệt, trong giai đoạn thai kỳ, axit folic giúp ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh ở thai nhi, chẳng hạn như tật nứt đốt sống.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính rằng việc tăng cường axit folic trong thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa khoảng 1.300 ca dị tật ống thần kinh mỗi năm. Tại Mỹ và Canada, sau khi thực hiện chính sách bổ sung axit folic vào các sản phẩm như bánh mì và mì ống từ năm 1998, tỷ lệ dị tật này đã giảm đáng kể.
Giáo sư Walter Willett, chuyên gia về dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard, khẳng định: “Ngày nay, chúng ta có rất nhiều thứ phải lo lắng, nhưng axit folic trong thực phẩm bổ sung không phải là một trong số đó”. Ông cũng cho biết, việc sử dụng quá liều axit folic có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhưng mức an toàn đã được xác định là 400 microgam mỗi ngày, và tối đa là 1.000 microgam đối với những người không có chỉ định y tế đặc biệt.
Liên quan đến biến thể gen MTHFR, CDC cho biết những người mang biến thể gen này vẫn có khả năng xử lý tất cả các loại folate, bao gồm cả axit folic. Biến thể gen MTHFR chỉ là một sự thay đổi nhỏ ở gen MTHFR, khiến cơ thể khó xử lý vitamin B9 (folate) hiệu quả như người bình thường. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tim mạch, sảy thai hoặc một số bệnh khác, nhưng không phải ai mang biến thể gen này cũng sẽ mắc bệnh. Các tổ chức y tế như Học viện Y khoa Di truyền & Gen Mỹ và Bệnh viện Nhi đồng Đại học Bắc Carolina không khuyến nghị xét nghiệm gen này do giá trị lâm sàng thấp.

Về những lo ngại về nguy cơ ung thư, giáo sư y khoa Raphael Cuomo từ Đại học California, San Diego cho biết nguy cơ ung thư thực tế tăng lên khi cơ thể thiếu hụt folate, tức là dưới 200 microgam mỗi ngày. Các nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng việc bổ sung folate đầy đủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú ở phụ nữ có tiêu thụ rượu và ung thư đại trực tràng.
Giáo sư Cuomo khẳng định, không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ dạng folate cụ thể nào, kể cả axit folic, gây ra ung thư. Ông cũng lưu ý rằng rủi ro chỉ có thể xảy ra với liều lượng rất cao trong thời gian dài, chủ yếu ở những người đã từng có tiền sử ung thư hoặc tổn thương tiền ung thư, và điều này liên quan đến việc sử dụng thực phẩm bổ sung liều cao.
AFP nhấn mạnh rằng những đồn đoán về việc axit folic gây ung thư là hoàn toàn sai lệch. Lợi ích sức khỏe cộng đồng từ việc tăng cường chất này trong thực phẩm vượt xa những rủi ro lý thuyết được đưa ra. Vì vậy, người dân không nên hoang mang trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội và cần tiếp cận thông tin từ các nguồn chính thống, đáng tin cậy.
Admin
Nguồn: VnExpress