Từ một nhà khoa học tiên phong, một bác sĩ phẫu thuật siêu sao, người kiến tạo những điều kỳ diệu, Paolo Macchiarini đã đánh mất tất cả sau một loạt bê bối chấn động.
Tên tuổi của bác sĩ phẫu thuật người Thụy Sĩ gốc Ý này bắt đầu nổi danh từ năm 2008, khi ông tạo ra một khí quản mới cho Claudia Castillo, một phụ nữ trẻ người Barcelona. Ông đã loại bỏ các tế bào của khí quản hiến tặng bằng phương pháp hóa học, sau đó cấy ghép các tế bào gốc từ tủy xương của chính Claudia vào khung khí quản đã được xử lý. Claudia nhanh chóng hồi phục và được xuất viện.

Theo Macchiarini và các cộng sự, cơ quan nhân tạo của Claudia phát triển cả về hình dáng lẫn chức năng, tương tự như một cơ quan tự nhiên. Đặc biệt, do được tạo ra từ tế bào của chính bệnh nhân, Claudia không cần dùng đến các loại thuốc ức chế miễn dịch nguy hiểm.
Thành công này đã đưa tên tuổi của Macchiarini lên một tầm cao mới. Vô số bài báo ca ngợi đây là một bước đột phá trong y học. Tuy nhiên, những biến chứng nghiêm trọng mà Claudia phải chịu đựng sau đó đã bị che giấu trong một thời gian dài.
Sự nghiệp của Macchiarini tiếp tục thăng tiến. Năm 2011, ông làm việc tại Viện Karolinska ở Thụy Điển, một trong những trường đại học y khoa danh tiếng nhất thế giới, nơi các giáo sư bầu chọn người đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y học hàng năm.
Tại đây, Macchiarini tiếp tục phát triển kỹ thuật của mình. Thay vì sử dụng khí quản của người hiến tặng, ông đặt làm khung nhựa theo yêu cầu. Andemariam Beyene, một nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành địa chất tại Đại học Iceland, là người đầu tiên được cấy ghép khung khí quản này. Sự hồi phục của Andemariam đã đưa Macchiarini lên trang nhất của tờ New York Times.
“Paolo đã biến giấc mơ y học tái tạo thành hiện thực”, Meredith Vieira của đài NBC ca ngợi trong bộ phim tài liệu về Macchiarini mang tên “A Leap of Faith”. Bộ phim vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng, nơi bất kỳ cơ quan hay bộ phận cơ thể nào bị tổn thương đều có thể được thay thế bằng một bộ phận nhân tạo mới, được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, giấc mơ đó đã tan vỡ vào năm 2016, phơi bày một sự thật tàn khốc.
Tháng 1/2016, Macchiarini vướng vào hai vụ bê bối lớn. Đầu tiên là bài báo trên tạp chí Vanity Fair về mối tình của ông với Benita Alexander, một nhà sản xuất từng đoạt giải thưởng của NBC News. Cô gặp Macchiarini khi thực hiện chương trình “A Leap of Faith”.

Trong quá trình sản xuất chương trình, cặp đôi đã lên kế hoạch cho một đám cưới xa hoa. Macchiarini thường khoe khoang với Benita về những người bạn nổi tiếng của mình và lên danh sách khách mời gồm gia đình các nhà lãnh đạo thế giới, ca sĩ opera Andrea Bocelli hát tại buổi lễ, Giáo hoàng Francis chủ trì và dinh thự giáo hoàng ở Castel Gandolfo là nơi tổ chức.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2015, khi ngày trọng đại đến gần, Benita phát hiện ra rằng vị hôn phu của mình đã nói dối về mọi thứ. Tất cả những kế hoạch đám cưới chỉ là ảo tưởng. Nghiêm trọng hơn, Macchiarini đã có vợ và chung sống 30 năm.
Sự dối trá của Macchiarini gây sốc đến nỗi tạp chí Vanity Fair phải tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm thần Ronald Schouten từ Đại học Harvard. Ông nhận xét: “Paolo là một dạng lừa đảo cực đoan. Rõ ràng ông ta thông minh và có nhiều thành tựu, nhưng lại không thể kiểm soát bản thân. Có một khoảng trống trong tính cách mà ông ta dường như muốn lấp đầy bằng cách lừa gạt ngày càng nhiều người”.
Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: nếu Macchiarini là một kẻ nói dối bệnh hoạn trong chuyện tình cảm, thì nghiên cứu y khoa của ông ta thì sao? Liệu ông ta có lừa dối bệnh nhân, đồng nghiệp và cộng đồng khoa học hay không?
Câu trả lời đến vài tuần sau đó, khi truyền hình Thụy Điển phát sóng một chương trình vạch trần sự thật về Macchiarini.
Theo chương trình, khí quản nhân tạo của Macchiarini không phải là một phép màu cứu mạng, mà ngược lại, gây hại nhiều hơn lợi. Ông đã cố gắng che giấu và giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực này trong các bài báo khoa học, thông cáo báo chí và phỏng vấn.
Macchiarini đã cấy ghép khí quản “tái tạo” cho ít nhất 17 bệnh nhân trên toàn thế giới. Hầu hết, bao gồm cả Andemariam, đã qua đời. Chỉ một số ít bệnh nhân sống sót, trong đó có Claudia.
Một trong những bệnh nhân sống sót, Yesim Cetir, đã phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Karolinska trong ba năm và trải qua gần 200 ca phẫu thuật. Hai cuộc điều tra riêng biệt từ Viện Karolinska và Bệnh viện Đại học Karolinska cho thấy cái chết và các biến chứng của bệnh nhân dưới tay Macchiarini có thể đã bị che giấu một cách cố ý.
Tháng 3/2016, Macchiarini bị sa thải vì cáo buộc vi phạm đạo đức y khoa. Ông cũng bị cáo buộc khai man trong lý lịch, bao gồm việc tuyên bố từng là “giáo sư chính thức” tại Đại học Pisa ở Italy và Trường Y Hannover ở Đức, trong khi chỉ có bằng phó giáo sư và trợ giảng.
Sự sụp đổ của Macchiarini diễn ra nhanh chóng, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về lý do ông ta được phép tiếp tục các thí nghiệm trong một thời gian dài như vậy.
Theo The Guardian, danh tiếng đã mang lại cho Macchiarini nhiều người ủng hộ, trong đó có Harriet Wallberg, Phó hiệu trưởng Viện Karolinska vào năm 2010, thời điểm Macchiarini được tuyển dụng. Bà Harriet đã thúc đẩy việc bổ nhiệm Macchiarini bất chấp những thông tin tham khảo tiêu cực và những tuyên bố đáng ngờ trong sơ yếu lý lịch của ông.
Các trưởng khoa và đồng nghiệp dành cho Macchiarini sự đối xử đặc biệt. Ông ta có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Trong vài năm đầu tại Karolinska, ông ta đã đặt ống thở bằng nhựa cho ba bệnh nhân. Vì đây là một phương pháp hoàn toàn mới, Macchiarini và các đồng nghiệp lẽ ra nên thử nghiệm trên động vật trước. Nhưng họ đã không làm như vậy.
Tương tự, họ không thực hiện đánh giá rủi ro đúng đắn cho quy trình, cũng như không xin giấy phép của chính phủ cho các ống khí quản bằng nhựa, tế bào gốc và các “yếu tố tăng trưởng” hóa học mà họ sử dụng. Họ thậm chí không xin phép hội đồng đạo đức Stockholm, có trụ sở tại Karolinska.
Chính địa vị người nổi tiếng đã giúp Macchiarini lách luật lệ thông thường. Ban lãnh đạo Karolinska kỳ vọng những điều to lớn từ “siêu sao” của họ, nhằm mang lại uy tín và nguồn tài trợ cho viện.
Họ biện minh rằng Macchiarini chỉ chăm sóc những bệnh nhân đang đối mặt với cái chết mà không còn lựa chọn điều trị nào khác và không còn thời gian để lãng phí. Trong những trường hợp cấp bách như vậy, các phương pháp điều trị mới có thể được thử nghiệm như một giải pháp cuối cùng.
Tuy nhiên, những người điều tra vụ án không đồng tình với lập luận này. Thực tế, không phải tất cả bệnh nhân của Macchiarini đều đang cận kề cái chết. Ví dụ, Andemariam Beyene bị ung thư khí quản tái phát nhưng ngoài bị ho, anh vẫn khỏe mạnh.
Cái chết của Andemariam hai năm rưỡi sau ca phẫu thuật, do đường thở nhân tạo không hoạt động, là một trải nghiệm vô cùng đau đớn. Pierre Delaere, giáo sư phẫu thuật hô hấp tại Đại học Leuven, Bỉ, nhận xét: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa khí quản nhân tạo hoặc đội xử bắn, tôi sẽ chọn phương án sau vì đó là cách giải quyết ít đau đớn nhất”.
Pierre Delaere là một trong những người đầu tiên và gay gắt nhất chỉ trích hệ thống đường thở nhân tạo của Macchiarini. Ông đã đăng bài trên các tạp chí y khoa lớn và nộp đơn khiếu nại chính thức lên hội đồng đạo đức của Viện Karolinska, nhưng không được coi trọng.

Đầu năm 2014, bốn bác sĩ tại Karolinska thách thức “văn hóa im lặng” trong viện khi tố cáo Macchiarini đã bóp méo kết quả nghiên cứu và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, phó hiệu trưởng Viện Karolinska, Anders Hamsten, tuyên bố Macchiarini không có hành vi sai trái trong khoa học, chỉ đôi khi hành động “thiếu thận trọng”. Những người tố giác bị trừng phạt, gần như hủy hoại sự nghiệp.
Sau khi bê bối bị phanh phui, nhiều người bạn quyền lực của Macchiarini đã mất chức. Phó hiệu trưởng Anders Hamsten, Trưởng khoa nghiên cứu của Karolinska và Tổng thư ký Ủy ban Nobel đều từ chức. Hội đồng nhà trường bị bãi nhiệm, bà Harriet Wallberg cũng mất việc.
Năm 2019, Macchiarini bị kết án 16 tháng tù sau khi một tòa án ở Italy tuyên ông ta có tội làm giả tài liệu và lạm dụng chức vụ, nhưng sau đó Tòa án Tối cao đã hủy bỏ bản án này.
Ngày 21/6/2023, Tòa phúc thẩm Svea ở Stockholm tuyên Macchiarini có tội hành hung nghiêm trọng ba bệnh nhân và tuyên án hai năm rưỡi tù. Bằng chứng cho thấy bác sĩ 65 tuổi “biết những rủi ro mà các thủ thuật này có thể gây ra cho bệnh nhân nhưng thờ ơ”.
Tại buổi họp báo với luật sư sau phán quyết, Macchiarini cho biết ông muốn giúp đỡ những bệnh nhân không còn lựa chọn nào khác. “Hành vi gây hại có chủ ý là lời buộc tội tồi tệ nhất đối với một bác sĩ. Trong phòng phẫu thuật, chúng tôi có 20, 25 người. Điều khiến tôi ngạc nhiên là tại sao chỉ mình tôi ở đây?”, Macchiarini nói.
Macchiarini kháng cáo lên Tòa án Tối cao Thụy Điển. Tháng 10/2023, tòa giữ nguyên bản án phúc thẩm. Tính đến tháng 12/2023, 11 bài nghiên cứu của Macchiarini đã bị rút lại, bao gồm bốn bài từ tạp chí y khoa uy tín The Lancet.
Vụ bê bối của Macchiarini đã trở thành đề tài cho nhiều bộ phim tài liệu như “He Lied About Everything”, “The Con”, “Dr. Death”, “Bad Surgeon: Love Under the Knife”.
Admin
Nguồn: VnExpress