Trong buổi livestream “Chọn trường đại học, chọn tương lai – Những điều cha mẹ cần biết” do Đại học FPT (FPTU) tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Đức, Founder & CEO của một nền tảng E-learning về Digital Marketing và giảng viên tại FPT Skillking, đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc về định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ. Cùng tham gia buổi tọa đàm còn có nhà báo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt.

Hoàng Đức kể về hành trình của mình, ban đầu lựa chọn ngành tài chính – ngân hàng theo xu hướng chung, nhưng sau một năm thực tập, anh nhận ra sự không phù hợp. Anh quyết định chuyển hướng, thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi tìm thấy đam mê với Digital Marketing. Anh chia sẻ về áp lực từ kỳ vọng của gia đình khi mới ra trường, nhưng anh không muốn một cuộc sống ổn định theo khuôn mẫu.
“Tuổi trẻ chỉ có mười năm, nếu không cố gắng thì sao có thể thành công. Sau này, tôi nhận ra sự ‘ổn định’ mà mọi người thường nhắc đến mới chính là sự bất định lớn nhất. ‘Ổn định’ thực sự là khả năng tồn tại và phát triển trong sự bất định,” anh nhấn mạnh.
Trong hai năm sau khi tốt nghiệp, Hoàng Đức đã trải qua 6 công việc khác nhau trước khi gắn bó với Digital Marketing. Mặc dù làm trái ngành, anh vẫn áp dụng những kiến thức tài chính đã học vào công việc kinh doanh của mình. Hiện tại, anh vừa là giảng viên, vừa điều hành một nền tảng E-learning với 17.000 học viên sau bốn năm hoạt động.
Từ góc độ của một người cha, nhà báo Nguyễn Phong Việt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành từ cha mẹ trong mỗi quyết định của con cái.
“Những quyết định đúng đắn thường bắt nguồn từ rất nhiều những sai lầm trước đó. Khi con cái chấp nhận làm lại, những trải nghiệm và vốn sống sẽ giúp con đưa ra những lựa chọn đúng đắn hơn,” anh chia sẻ.
Hoàng Đức cũng nhận thấy rằng các bậc cha mẹ hiện đại, đặc biệt là thế hệ cuối 7X, đầu 8X, đang dần cởi mở hơn với những lựa chọn của con cái. Họ không còn quá đặt nặng áp lực thành tích mà tập trung vào vai trò tư vấn, định hướng và giảm thiểu rủi ro, đồng thời trao quyền quyết định cho con.
“Không ai có thể dự đoán chính xác tương lai nghề nghiệp trong 5 hay 10 năm tới. Trong kỷ nguyên AI, điều quan trọng không chỉ là học để biết, mà là học để thích nghi,” anh nói.
Theo Hoàng Đức, những trải nghiệm học tập tại Đại học FPT đã giúp anh xây dựng nền tảng vững chắc để rèn luyện tính tự học, khả năng làm việc với cường độ cao và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn. Chương trình đào tạo tại trường được thiết kế theo từng giai đoạn liên tục, tạo áp lực tích cực, buộc sinh viên phải tập trung cao độ. Quy mô lớp học nhỏ cũng tạo điều kiện tăng cường tương tác, giúp sinh viên dễ dàng phát biểu, phản biện và xây dựng sự tự tin.
“Giảng viên tại FPTU rất cởi mở với việc sinh viên phát biểu và phản biện, điều này khuyến khích sinh viên dám nói lên ý tưởng của mình,” anh nhận xét.

Từ kinh nghiệm xây dựng nền tảng E-learning, Hoàng Đức cho biết AI đang giúp tăng hiệu quả học tập, nhưng chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ. Trong lĩnh vực marketing, để tạo ra những nội dung quảng cáo chạm đến cảm xúc của khách hàng, vẫn cần đến kiến thức về tâm lý học và ngôn ngữ học, những yếu tố mà AI chưa thể thay thế hoàn toàn.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Phong Việt nhận định rằng giáo dục đại học trong thời đại AI không chỉ là mối quan hệ thầy – trò truyền thống, mà là một môi trường kết hợp giữa AI, giảng viên và sinh viên.
Với mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành những công dân toàn cầu linh hoạt và sáng tạo, Đại học FPT triển khai mô hình AI First, tích hợp công nghệ và trí tuệ nhân tạo để sinh viên làm quen và ứng dụng AI ngay từ năm nhất. Bên cạnh đó, sinh viên còn được yêu cầu tham gia kỳ thực tập tại hàng trăm doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, giúp trang bị sự tự tin và năng lực thích ứng trước khi bước vào thị trường lao động. Kết quả là 98% sinh viên Đại học FPT có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Nhờ những nỗ lực này, Đại học FPT vừa thăng hạng lên vị trí 80 toàn cầu trong tiêu chí Việc làm tốt và Tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ vững vị trí trong nhóm 101-200 toàn cầu về Chất lượng giáo dục (SDG4) theo THE Impact Rankings 2025, bảng xếp hạng uy tín do Tạp chí Times Higher Education thực hiện, đánh giá các trường đại học trên thế giới dựa trên 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Admin
Nguồn: VnExpress