Cựu thủ tướng Israel cảnh báo về ‘trại tập trung’ ở Gaza

Đề xuất xây dựng “thành phố nhân đạo” ở phía nam Dải Gaza, dự kiến chứa ít nhất 600.000 người Palestine, đang gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ cả trong và ngoài Israel. Kế hoạch này do Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz đưa ra hồi tuần trước.

Cựu thủ tướng Israel
Ehud Olmert: Cựu thủ tướng Israel (Ảnh: Guardian). Ảnh: Internet

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert đã lên tiếng chỉ trích gay gắt ý tưởng này, ví nó như những trại tập trung mà Đức Quốc xã từng dựng lên trong Thế chiến II. Ông Olmert, người giữ chức thủ tướng từ năm 2006 đến 2009, cho rằng sự tương đồng này là “không thể tránh khỏi” khi xem xét cách thức quy hoạch Rafah được chính quyền Israel công bố.

Khói đen bốc lên sau một cuộc không kích của Israel ở thành phố Jabalia, phía bắc Dải Gaza, ngày 16/5. Ảnh: AP
Không kích Israel ở Jabalia, Gaza: Khói đen bao trùm (Ảnh: AP). Ảnh: Internet

Ông Olmert cảnh báo rằng nếu người Palestine bị đưa đến “thành phố nhân đạo”, hành động này sẽ cấu thành hành vi thanh lọc sắc tộc, điều mà ông cho rằng “cho đến nay vẫn chưa xảy ra tại Dải Gaza”.

Theo ông Olmert, các chiến dịch quân sự của Israel trong gần hai năm qua đã khiến nhiều dân thường Palestine mất nhà cửa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các lệnh di dời trước đây đều dựa trên cơ sở sơ tán người dân khỏi khu vực giao tranh và tuân thủ luật pháp quốc tế. Khi quân đội Israel ngừng hoạt động ở một khu vực, người dân Gaza vẫn được phép trở về nơi ở cũ.

Vị trí Rafah và các khu đô thị tại Dải Gaza. Đồ họa: BBC
Bản đồ Rafah và đô thị Gaza: Tình hình chiến sự (Đồ họa: BBC). Ảnh: Internet

Cựu thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại về những tuyên bố gần đây của một số bộ trưởng cánh hữu trong chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong đó có những lời kêu gọi “làm sạch” Dải Gaza và mở rộng khu định cư cho người Do Thái. Ông cho rằng những diễn biến này làm dấy lên lo ngại rằng “thành phố nhân đạo” có thể biến tướng thành một mô hình khác. Ông Olmert cảnh báo: “Khi chính quyền lên kế hoạch xây dựng một khu trại để phục vụ mục tiêu ‘làm sạch’ một nửa Dải Gaza, cách hiểu duy nhất về chiến lược này là để trục xuất và loại bỏ người Palestine chứ không phải giải cứu họ”.

Trước đó, vào ngày 7/7, Bộ trưởng Katz thông báo đã chỉ đạo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Bộ Quốc phòng lên kế hoạch xây dựng “thành phố nhân đạo” ở Rafah để tiếp nhận khoảng 600.000 người Palestine đang tị nạn ở khu vực Mawasi. Theo kế hoạch, những người vào khu trại sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra nhân thân để sàng lọc các mối liên hệ với Hamas và sẽ không được phép rời khỏi thành phố sau khi chuyển đến.

Ông Katz còn hình dung về việc mở rộng khu vực này để tiếp nhận toàn bộ dân thường Gaza, với số lượng hơn hai triệu người. IDF sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh vòng ngoài, trong khi các tổ chức quốc tế sẽ trực tiếp quản lý khu vực bên trong. Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng kêu gọi người Palestine “tự nguyện di cư” khỏi Gaza sang các quốc gia khác nếu không muốn đến “thành phố nhân đạo”.

Kênh Channel 12 dẫn nguồn tin cho biết lãnh đạo IDF đang tìm cách cảnh báo nội các rằng dự án này có thể mất từ 3 đến 5 tháng để triển khai và có thể phá vỡ các nỗ lực đàm phán trao đổi con tin do Mỹ dẫn đầu.

Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid cũng chỉ trích kế hoạch này là “giấc mơ viển vông và hoang phí”, bị chi phối bởi các thành viên cánh hữu trong nội các Israel, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir. Ông Lapid cho rằng kế hoạch này có thể tiêu tốn tới 4,5 tỷ USD và số tiền đó nên được sử dụng để cải thiện giáo dục hoặc nâng cao mức sống cho người dân.

Ông Lapid đặt câu hỏi: “Thành phố nhân đạo là gì? Người ta có được phép rời khỏi đó không? Nếu không, làm sao chúng ta có thể thực thi lệnh này? Sẽ có 600.000 người bị rào lại. Tôi thật sự không thích cách gọi ‘trại tập trung’, đó là kiểu so sánh khập khiễng. Tuy nhiên, một nơi mà người đã vào và không được trở ra, thì chúng ta gọi đó là ‘trại giam’. Còn nếu họ có thể rời đi, ý tưởng thành phố nhân đạo không khả thi”.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *