Nhiều người thường đánh giá Gen Z là thế hệ “nhảy việc” liên tục, thiếu sự gắn bó và trung thành với công ty so với các thế hệ trước. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn, bản chất của việc thay đổi công việc không phụ thuộc vào thế hệ mà nằm ở mục tiêu, năng lực và mong muốn của mỗi cá nhân.
Tôi, một người thuộc thế hệ 8X đời đầu, đã gắn bó với một công ty duy nhất gần 20 năm kể từ khi ra trường. Nhờ may mắn và sự nỗ lực, tôi hiện giữ vị trí quản lý cấp trung. So với nhiều người, tôi không quá xuất sắc, nhưng nhờ tính tiết kiệm và sự đảm đang của vợ, tôi đã có nhà cửa, xe cộ ở Sài Gòn.
Tôi là một minh chứng cho sự ổn định khi làm việc lâu dài tại một nơi, đủ để đảm bảo cuộc sống kinh tế. Tuy nhiên, những người bạn thân cùng vào Sài Gòn lập nghiệp lại cho tôi cái nhìn đa chiều hơn về khái niệm “trung thành” với công ty.
Một người bạn của tôi thay đổi công việc nhiều nhất, có năm mà chuyển đến ba công ty khác nhau. Nhưng vì năng lực ở mức trung bình, không có mục tiêu rõ ràng và không đầu tư phát triển bản thân, sau nhiều năm, bạn vẫn phải ở trọ và cuộc sống bấp bênh.
Một người bạn khác cũng từng “nhảy” vài công ty, sau đó quyết định tự kinh doanh mỹ phẩm, chấp nhận những khó khăn ban đầu. Sau nhiều năm lăn lộn, hiện tại bạn đã khá thành công và có tài chính vững chắc.
Một người bạn khác lại giống tôi, làm việc cho một ngân hàng duy nhất từ khi ra trường đến giờ. Nhờ sự nhanh nhạy, bạn hiện rất giàu có, sở hữu nhiều bất động sản ở Sài Gòn.
Một người bạn khác làm phi công, cũng chỉ trải qua một hoặc hai công ty. Ban đầu, bạn làm trong ngành du lịch khoảng hai năm, sau đó học lái máy bay và hiện đang làm việc cho một hãng hàng không lớn của Việt Nam, có thu nhập cao và cuộc sống ổn định.
Từ những câu chuyện của bạn bè, tôi nhận ra rằng năng lực của mỗi người mới là yếu tố quyết định thành công, chứ không phải việc thay đổi công việc nhiều hay ít.
Người bạn “nhảy việc” nhiều nhất trong nhóm của tôi đúng là điển hình của câu “đứng núi này trông núi nọ”. Việc thay đổi công việc liên tục mà năng lực không được cải thiện chỉ khiến bạn lún sâu vào thất bại. Theo tôi, nếu làm việc cho doanh nghiệp tư nhân và có năng lực vượt trội, bạn nên mạnh dạn tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Ngược lại, nếu làm việc cho doanh nghiệp nhà nước và trình độ chỉ ở mức trung bình, tốt nhất là nên ở yên một chỗ theo kiểu “sống lâu lên lão làng”.
Những người thành công nhất trong nhóm bạn của tôi không phải là những người “làm lâu nhất”, mà là những người hiểu rõ điểm mạnh của mình, biết mình phù hợp ở đâu và cần thay đổi khi nào. Dù là Gen X, Y hay Z, nếu chỉ thay đổi công việc một cách bừa bãi, không rút ra được bài học kinh nghiệm, thì sau mười năm cũng sẽ chỉ dậm chân tại chỗ.
Admin
Nguồn: VnExpress