Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất về đường tiêu hóa. Thống kê năm 2022 của Globocan cho thấy, tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ năm về số ca mắc mới và thứ ba về số ca tử vong trong các loại ung thư.
Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày, đặc biệt khi ung thư còn khu trú và chưa di căn xa. Phương pháp này thường được chỉ định khi khối u có khả năng cắt bỏ hoàn toàn và bệnh nhân có đủ sức khỏe để trải qua một cuộc phẫu thuật lớn. Trong giai đoạn muộn của bệnh, phẫu thuật có thể giúp giảm tắc nghẽn hoặc chảy máu do khối u gây ra.
Việc chỉ định phẫu thuật ung thư dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn bệnh, vị trí khối u, sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và khả năng đáp ứng điều trị. Do đó, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định phương pháp điều trị.
Phẫu thuật ung thư dạ dày là một thủ thuật phức tạp, đặc biệt đối với bệnh nhân lớn tuổi hoặc có nhiều bệnh nền. Một số biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật bao gồm rò miệng nối, chảy máu trong, nhiễm trùng, hội chứng dumping và viêm phổi. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học hiện đại, tỷ lệ thành công của phẫu thuật ung thư dạ dày ngày càng được nâng cao, đặc biệt khi kết hợp điều trị đa mô thức như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị khi cần thiết, giúp giảm nguy cơ biến chứng.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng như nội soi, CT, sinh thiết và xét nghiệm máu. Đồng thời, người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và ngủ nghỉ hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn và biến chứng tại bệnh viện trong khoảng 7-10 ngày đầu.

Trong những tuần đầu sau phẫu thuật, người bệnh nên ưu tiên chế độ ăn lỏng, dễ tiêu, sau đó tăng dần lượng và đa dạng thức ăn theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc tái khám định kỳ là rất quan trọng để theo dõi khả năng phục hồi và phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát. Một số bệnh nhân có thể cần hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật.
Để phòng ngừa ung thư dạ dày, mỗi người nên duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu trái cây tươi và rau xanh, đặc biệt là các loại quả có múi như cam, chanh, bưởi để bổ sung chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin E và beta-caroten, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nên tránh ăn mặn và các loại thực phẩm chế biến sẵn vì chúng dễ kích thích niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ viêm loét.
Đối với những người mắc nhiễm trùng vi khuẩn HP hoặc viêm loét dạ dày, việc điều trị dứt điểm và kiểm soát nguy cơ tái phát là rất quan trọng. Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia và không hút thuốc lá, vì đây là hai yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư dạ dày.
Admin
Nguồn: VnExpress