Hiệp hội Phi công Thương mại Ấn Độ (ICPA) vừa lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những đồn đoán xung quanh vụ tai nạn máy bay Air India xảy ra hồi tháng trước. Đặc biệt, ICPA phản đối mạnh mẽ những “thông tin vô căn cứ và bất chấp” ám chỉ phi công Air India cố ý gây ra vụ việc để tự sát.
ICPA nhấn mạnh rằng, ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở nào cho những cáo buộc vô lý như vậy. Việc lan truyền những thông tin thiếu kiểm chứng là hành động vô cảm, gây tổn thương đến các cá nhân và gia đình liên quan. Hiệp hội khẳng định, việc tùy tiện quy chụp phi công tự sát mà không có bằng chứng xác thực là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và gây tổn hại đến phẩm giá của họ.
Trước đó, Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) đã công bố báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn liên quan đến máy bay Boeing 787 của Air India. Theo báo cáo, các công tắc điều khiển nhiên liệu vào hai động cơ đã bị chuyển từ vị trí “hoạt động” sang “ngắt” chỉ trong vòng một giây, ngay sau khi máy bay cất cánh. Điều này dẫn đến việc động cơ mất lực đẩy, khiến máy bay nhanh chóng mất độ cao.

Mặc dù báo cáo sơ bộ đã xác định nguyên nhân chính gây ra tai nạn, song vẫn chưa làm rõ lý do tại sao công tắc nhiên liệu lại bị chuyển sang trạng thái “ngắt”. Hiện chưa thể xác định đây là hành động vô tình, cố ý hay do lỗi kỹ thuật.
ICPA cũng đề cập đến ý kiến của một số chuyên gia hàng không cho rằng, công tắc điều khiển nhiên liệu động cơ chỉ có thể bị gạt một cách chủ đích.
Trong khi đó, Hiệp hội Phi công Hàng không Ấn Độ (ALPA), tổ chức đại diện cho 800 phi công, đã lên tiếng cáo buộc cơ quan điều tra thiếu minh bạch và không cho phép những người có chuyên môn phù hợp tham gia vào quá trình điều tra. Chủ tịch ALPA, ông Sam Thomas, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với hướng điều tra hiện tại, cho rằng nó đang tập trung vào việc quy trách nhiệm cho phi công.

Ehsan Khalid, một chuyên gia hàng không và cựu phi công quân sự Ấn Độ, cho rằng những phát hiện trong báo cáo sơ bộ đặt ra câu hỏi về vị trí lắp đặt công tắc nhiên liệu và cho rằng vấn đề này cần được điều tra kỹ lưỡng hơn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh vội vàng đổ lỗi cho các phi công.
Ông Khalid phân tích: “Báo cáo sơ bộ của AAIB chỉ có thể kết luận một cách chắc chắn rằng tai nạn xảy ra do hai động cơ mất lực đẩy. Các phi công đã nhận biết được vấn đề với động cơ và không có bằng chứng nào cho thấy họ cố ý gây ra sự cố.”
Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ấn Độ, ông Mohan Naidu, kêu gọi sự thận trọng và tránh đưa ra kết luận vội vàng vào thời điểm này. Báo cáo đầy đủ về vụ tai nạn dự kiến sẽ được công bố sau vài tháng nữa, sau khi quá trình điều tra toàn diện kết thúc.
Admin
Nguồn: VnExpress