Giải mã hộp đen máy bay: Bí mật sau tai nạn

Kết quả điều tra sơ bộ vụ tai nạn máy bay Air India xảy ra vào tháng trước cho thấy, nguyên nhân có thể do các công tắc điều khiển nhiên liệu bị tắt, khiến động cơ không được cung cấp nhiên liệu và dẫn đến mất lực đẩy ngay sau khi cất cánh. Vụ tai nạn của chiếc Boeing 787-8 Dreamliner thuộc hãng Air India vào ngày 12/6 tại thành phố Ahmedabad, miền tây bắc Ấn Độ, đã làm ít nhất 260 người thiệt mạng, trong đó có 19 người trên mặt đất. Báo cáo được đưa ra dựa trên dữ liệu thu thập từ hộp đen của máy bay, bao gồm máy ghi âm buồng lái (CVR) và máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR).

CVR và FDR là những công cụ quan trọng giúp các nhà điều tra tái hiện lại các sự kiện dẫn đến tai nạn máy bay. Để dễ dàng tìm thấy trong đống đổ nát, kể cả ở độ sâu lớn dưới đại dương, chúng thường có màu cam và được lắp đặt ở phần đuôi máy bay, nơi được cho là có khả năng còn sót lại cao nhất sau tai nạn.

Máy ghi âm buồng lái (CVR) thu thập các tín hiệu vô tuyến và âm thanh trong buồng lái, bao gồm giọng nói của phi công và tiếng động cơ. Dựa trên những âm thanh này, các nhà điều tra có thể xác định tốc độ động cơ, các cảnh báo và những trục trặc của hệ thống. Họ cũng có thể nghe được cuộc trò chuyện giữa phi công và phi hành đoàn, cũng như liên lạc với kiểm soát không lưu. Việc phân tích tỉ mỉ bản ghi âm giọng nói này có thể mất đến một tuần.

Hộp đen máy bay thực chất có màu cam. Ảnh: NTSB
Sự thật thú vị: Hộp đen máy bay màu cam. Ảnh: Internet

Máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) theo dõi các thông số như độ cao, tốc độ và hướng của máy bay. Các máy bay mới hiện nay phải giám sát ít nhất 88 thông số. Một số thiết bị thậm chí có thể thu thập trạng thái của hơn 1.000 đặc điểm khác nhau, từ vị trí cánh tà đến báo động khói. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết, họ có thể sử dụng thông tin thu thập được để tạo ra video tái hiện chuyến bay bằng máy tính.

Có ít nhất hai người được ghi nhận là nhà phát minh ra thiết bị ghi lại dữ liệu trên máy bay. Đầu tiên là kỹ sư hàng không người Pháp François Hussenot, người vào những năm 1930 đã tìm ra cách ghi lại tốc độ, độ cao và các thông số khác của máy bay lên phim ảnh.

Tiếp theo là nhà khoa học người Australia David Warren, người vào những năm 1950 đã nảy ra ý tưởng về máy ghi âm buồng lái. Ông Warren đã tham gia điều tra vụ tai nạn của chiếc máy bay phản lực thương mại đầu tiên trên thế giới, Comet, vào năm 1953. Ông cho rằng bản ghi âm giọng nói trong buồng lái sẽ rất hữu ích cho các nhà điều tra tai nạn hàng không. Warren đã thiết kế và chế tạo nguyên mẫu thiết bị này vào năm 1956. Tuy nhiên, phải mất vài năm sau, các nhà chức trách mới nhận ra giá trị của thiết bị và bắt đầu lắp đặt chúng trên máy bay của các hãng hàng không thương mại trên toàn thế giới.

Tên gọi “hộp đen” có thể xuất phát từ thiết bị của Hussenot, vì nó sử dụng phim và hoạt động liên tục trong một hộp kín sáng, do đó có tên gọi này. Một giả thuyết khác cho rằng, hộp chứa thiết bị sẽ chuyển sang màu đen khi bị cháy trong một vụ tai nạn, theo Smithsonian.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *