Nam Ninh: Chuyển mình thành thủ phủ xe điện hai bánh của Trung Quốc

Từng được mệnh danh là “thành phố xe máy” vào những năm 1990, Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đã chuyển mình ngoạn mục. Sự bùng nổ của xe máy xăng không kiểm soát đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Nhận thấy vấn đề cấp bách, từ năm 2002, Nam Ninh bắt đầu hạn chế đăng ký xe máy truyền thống. Đây là thời điểm xe hai bánh chạy điện, bao gồm xe máy điện và xe đạp điện, trỗi dậy mạnh mẽ như một giải pháp thay thế hiệu quả nhờ tính linh hoạt, tốc độ di chuyển và chi phí sử dụng thấp.

Ngày nay, Nam Ninh tự hào với danh hiệu “thủ phủ xe đạp điện, xe hai bánh điện” và “thành phố xanh”. Theo Viện Chính sách Giao thông và Phát triển (ITDP) có trụ sở tại New York (Mỹ), trung bình cứ 1,5 người dân ở Nam Ninh sở hữu một chiếc xe điện hai bánh.

Tính đến cuối năm 2023, số lượng xe điện hai bánh tại Nam Ninh đã vượt quá 4,8 triệu chiếc, bỏ xa số lượng ô tô cá nhân. Vậy, thành phố này đã thực hiện cuộc chuyển đổi ấn tượng này như thế nào?

Về mặt chính sách, chính quyền thành phố đã đưa việc quản lý giao thông xe điện hai bánh vào chiến lược tổng thể về vận tải đô thị từ năm 2013. Nam Ninh triển khai hệ thống đăng ký xe hai bánh điện chính thức. Khi số lượng phương tiện tăng trưởng nhanh chóng, chính quyền tiếp tục xây dựng các mô hình quản lý phù hợp với tình hình thực tế.

Năm 2020, “Quy định quản lý xe hai bánh điện thành phố Nam Ninh” được ban hành, bao gồm các quy định chi tiết từ sản xuất, mua bán, đăng ký đến di chuyển, đỗ xe và trạm sạc, nhằm chuẩn hóa công tác quản lý phương tiện.

Để chính sách đi vào thực tế một cách nhanh chóng, thành phố đã nâng cấp và cải tạo hạ tầng giao thông theo hướng ưu tiên xe hai bánh điện, giải quyết nhu cầu sạc và đỗ xe, đồng thời tăng cường thực thi luật giao thông, tạo điều kiện cho việc lưu thông an toàn.

Cụ thể, Nam Ninh tối ưu hóa làn đường cũ của xe máy xăng bằng cách phân làn và lắp đặt rào chắn dành riêng cho xe hai bánh điện với chiều rộng lên đến hơn 3 mét. Tại các giao lộ lớn, thành phố thiết lập làn chờ và làn xe riêng cho xe điện, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu và lắp đặt đèn LED hướng dẫn. Tại các nút giao lớn hoặc trạm xe buýt, xe hai bánh điện có cầu vượt, hầm hoặc làn đi vòng riêng để tách biệt và đảm bảo an toàn.

Để giải quyết vấn đề trạm sạc, Nam Ninh xây dựng kế hoạch phù hợp cho từng loại hình khu dân cư, triển khai các cơ sở sạc công cộng dựa trên điều kiện thực tế của từng khu vực. Ví dụ, tại các khu dân cư đông đúc hoặc đã cũ, thành phố mở các khu vực sạc chuyên biệt hoặc lắp đặt trạm sạc bên ngoài.

Việc thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và ban quản lý khu dân cư đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán “ai xây và ai quản lý” hạ tầng sạc, đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ an toàn, thuận tiện và với chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, Nam Ninh còn phát triển các trạm đổi pin và sạc nhanh để đáp ứng nhu cầu thay pin nhanh chóng của người dùng thường xuyên, đặc biệt là tài xế giao hàng, cũng như giảm áp lực cho hệ thống sạc thông thường.

Về vấn đề đỗ xe, cơ quan quản lý giao thông thành phố đã điều chỉnh một số vị trí đỗ xe trên đường dành cho xe hai bánh điện. Đáng chú ý, một chỗ đỗ xe ô tô có thể được tận dụng cho gần 8 xe điện hai bánh, qua đó cân bằng hiệu quả nhu cầu đỗ xe của các phương tiện khác nhau trong điều kiện không gian đường phố có hạn.

Tuy nhiên, trong những năm đầu chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện, Nam Ninh cũng đối mặt với các vấn đề như giao thông hỗn loạn và tai nạn xảy ra thường xuyên. Do người điều khiển không cần bằng lái và có thể lưu thông ngay sau khi mua xe điện, một số trường hợp thiếu kiến thức về an toàn giao thông và luật đường bộ.

Để giải quyết bài toán kép giữa nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân và đảm bảo an toàn, Nam Ninh áp dụng mô hình đồng quản lý, lấy giáo dục làm nền tảng. Thành phố hướng dẫn, lắp đặt biển báo tại các giao lộ, tổ chức tuyên truyền trực tiếp và triển khai chương trình giáo dục an toàn giao thông phù hợp với từng cộng đồng.

Người điều khiển xe điện hai bánh được học luật qua 5 hình thức: học luật trước khi đăng ký xe, qua video hướng dẫn, chép luật giao thông, nghe giảng trực tiếp và trải nghiệm thực tế nhiệm vụ của cảnh sát.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông địa phương còn triển khai chiến dịch thiết lập “điểm học tập” tại các ngã tư trọng điểm, nơi người vi phạm được học lại ngay tại chỗ về cách lái xe đúng luật.

Kết hợp với một số giải pháp khác, như việc đưa các vi phạm liên quan đến xe hai bánh điện vào hệ thống chấm điểm công dân, số vụ tai nạn đã giảm dần qua từng năm. Giai đoạn 2015-2017, số người chết trên mỗi 10.000 xe hai bánh điện lần lượt giảm từ 3,29 xuống 2,18.

Số vụ vi phạm giao thông cũng giảm đáng kể, với vi phạm trên các tuyến đường chính giảm trên 60%, và hơn 95% xe điện tuân thủ luật lệ. Chỉ số hài lòng và cảm giác an toàn của người dân tăng lên, với trên 95% người dân ủng hộ chương trình quản lý xe điện.

Theo ITDP, thành công của Nam Ninh trong việc quản lý xe hai bánh điện là một mô hình có giá trị tham khảo cao cho nhiều thành phố khác. Trong đó, thành phố đã ưu tiên quản trị và đặt quyền lưu thông của người đi xe hai bánh điện lên trên các phương tiện khác trong thiết kế chính sách.

Người dân Nam Ninh điều khiển xe điện hai bánh ngày 1/2/2025. Ảnh: Reuters
Nam Ninh 2025: Người dân sử dụng xe điện hai bánh (Ảnh Reuters). Ảnh: Internet

ITDP đánh giá: “Nam Ninh còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong thiết kế hạ tầng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong việc xây dựng làn đường riêng, tối ưu hóa các giao lộ và phát triển đường hầm hoặc cầu vượt dành riêng cho phương tiện.”

ITDP khuyến nghị các thành phố khác cũng có thể tham khảo cách tiếp cận đa chiều và linh hoạt của Nam Ninh để giải quyết các vấn đề như sạc pin, đỗ xe và nâng cao nhận thức về an toàn giao thông. Với những nỗ lực không ngừng, Nam Ninh đã chứng minh rằng việc chuyển đổi sang giao thông điện là hoàn toàn khả thi, mang lại một môi trường sống xanh, sạch và an toàn hơn cho người dân.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *