Trong hai năm qua, kể từ khi Ukraine bắt đầu tiếp nhận các hệ thống phòng không Patriot, quân đội Mỹ đã theo dõi sát sao cách Kiev vận hành loại khí tài này, nhằm thu thập kinh nghiệm quý báu cho chính mình.

Trung tá James Compton, một sĩ quan thuộc Bộ tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Phòng không số 10 của Lục quân Mỹ, nhận định rằng các tổ hợp Patriot của Ukraine đã “thể hiện tốt” trước những mối đe dọa, bất chấp việc Nga liên tục triển khai nhiều loại vũ khí khác nhau để tấn công.
Với chi phí hơn một tỷ đô la Mỹ cho mỗi tổ hợp, Patriot hiện là trụ cột chính trong hệ thống phòng không của Ukraine. Chúng được ưu tiên triển khai để bảo vệ thủ đô Kiev và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Patriot được xem là loại vũ khí duy nhất trong biên chế của Ukraine có khả năng đối phó với tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến các tổ hợp Patriot trở thành mục tiêu hàng đầu của quân đội Nga. Để bảo vệ những lá chắn phòng không quý giá này, quân đội Ukraine đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc thường xuyên thay đổi vị trí của chúng để gây khó khăn cho đối phương trong việc phát hiện và tấn công.
Trung tá Compton cho biết đây là một trong những bài học mà Mỹ đang học hỏi từ Ukraine. Ông nói: “Cuộc xung đột đã mang đến nhiều khái niệm mới, chẳng hạn như các phương pháp giúp tổ hợp Patriot trở nên cơ động hơn.”
Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi một khẩu đội Patriot bao gồm nhiều thành phần khác nhau, bao gồm xe chỉ huy, radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực, xe phát điện và tối đa 8 bệ phóng, chưa kể đến lực lượng vận hành gồm hàng chục binh sĩ.
Mặc dù Trung tá Compton không tiết lộ các phương pháp cụ thể mà Ukraine đang áp dụng, Chuẩn úy Sanjeev Siva, một kỹ thuật viên thuộc Bộ tư lệnh Phòng không Lục quân số 10, cho biết các tổ vận hành Patriot của Ukraine phải ưu tiên kỷ luật di chuyển, cũng như áp dụng các chiến thuật ngụy trang, nghi binh và nhiều biện pháp khác chưa từng xuất hiện trong hàng chục năm qua.
Trung tá Compton nhấn mạnh: “Lực lượng Ukraine đã thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc trong cách triển khai và cải tạo trận địa Patriot, nhằm tăng cường khả năng sống sót cho khí tài.”
Hình ảnh vệ tinh thương mại được Google Maps sử dụng vào cuối năm ngoái cho thấy trận địa Patriot tại sân bay quốc tế Zhulyany ở thủ đô Kiev, nơi mỗi bệ phóng được đặt bên trong một công sự riêng biệt với khoảng cách tối thiểu là hơn 100 mét. Cách bố trí này giúp hạn chế thiệt hại khi trận địa bị tấn công, tránh trường hợp một quả đạn phá hủy nhiều bệ phóng cùng lúc.
Ukraine cũng triển khai nhiều tổ hợp tên lửa và pháo phòng không tự hành xung quanh sân bay để bảo vệ trận địa Patriot khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát.

Để tránh lộ thông tin về cách bố trí trận địa, Ukraine sau đó đã yêu cầu Google làm mờ ảnh vệ tinh, khiến các chi tiết không còn rõ ràng như trước.

Vào đầu năm nay, binh sĩ Ukraine bắt đầu gắn khoảng 200 tấm thép dày 8 mm xung quanh xe chỉ huy của tổ hợp Patriot, nơi tổ vận hành điều khiển hệ thống, nhằm bảo vệ quân nhân bên trong khỏi mảnh văng tên lửa hoặc sức ép của các vụ nổ gần đó.
Nhà sản xuất Ukraine cho biết tổng khối lượng của lớp giáp là khoảng 2,6 tấn, nhưng khẳng định chúng không gây ảnh hưởng đến khả năng cơ động và vận hành của xe. Họ cũng cho biết thêm rằng lớp giáp này đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trung tá Compton cho biết: “Lực lượng Ukraine đã chứng minh rằng Patriot có thể được chỉnh sửa ngay trên chiến trường để bảo vệ kíp vận hành.” Ông cũng nói thêm rằng lực lượng Ukraine có khả năng bảo dưỡng và sửa chữa tổ hợp một cách nhanh chóng trong điều kiện bất lợi.
Theo Chuẩn úy Siva, các nhà hoạch định Mỹ cũng học hỏi được cách “tạo mồi nhử và ngụy trang khí tài”. Mặc dù quân nhân này không nêu rõ các phương án cụ thể, cả Nga và Ukraine đều triển khai nhiều loại mô hình để đánh lừa và khiến đối phương tiêu tốn hỏa lực.
Những mô hình này có dạng bơm hơi hoặc được làm bằng gỗ với mức độ tinh vi khác nhau, từ những vật thể thô sơ đến những mô hình gần giống với khí tài thực sự.
Ukraine cũng từng công bố hình ảnh cho thấy lưới ngụy trang trên bệ phóng của tổ hợp Patriot để giúp chúng khó bị các phương tiện trinh sát của Nga phát hiện.

Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ, các tổ hợp Patriot của Ukraine vẫn không tránh khỏi tổn thất sau hai năm tham chiến. Nga đã nhiều lần công bố video ghi lại cảnh tấn công các trận địa hoặc đoàn xe Patriot đang di chuyển, phá hủy nhiều radar hỏa lực, xe chỉ huy và bệ phóng.
Tình trạng cạn kiệt đạn dược của Ukraine, cũng như việc Nga liên tục nâng cấp tên lửa đạn đạo Iskander-M, cũng khiến các tổ hợp Patriot ngày càng khó đánh chặn mục tiêu hơn.
Chuẩn úy Siva nhận định: “Đối phương đang tích cực học hỏi từ những cuộc đối đầu với vũ khí phương Tây, trong đó có tổ hợp Patriot, và nhanh chóng áp dụng những điều chỉnh để đối phó với hệ thống phòng thủ của chúng tôi. Đây là một vòng xoáy không ngừng về khả năng thích nghi.”
Hồi tháng 5, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Ukraine sở hữu ít nhất 8 tổ hợp Patriot, trong đó 6 hệ thống có khả năng hoạt động và hai tổ hợp đang trong quá trình sửa chữa. Các hệ thống Patriot của Ukraine được trang bị tên lửa PAC-3 MSE hiện đại nhất do Mỹ sản xuất, có tầm bắn tối đa 120 km đối với máy bay và 60 km đối với tên lửa đạn đạo.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 14/7 thông báo rằng Berlin và Washington sẽ đưa ra quyết định về việc chuyển giao thêm tổ hợp phòng không Patriot cho Kiev “trong vài ngày hoặc vài tuần tới”.
Ông Pistorius cho biết Đức đã đề nghị mua hệ thống Patriot từ Mỹ để chuyển cho Ukraine. Các cuộc đàm phán ở cấp làm việc sẽ diễn ra để hoàn thiện chi tiết thương vụ, bao gồm số lượng bệ phóng và tên lửa. Sau khi hai bên ký thỏa thuận, Đức có thể chuyển tổ hợp Patriot đầu tiên cho Ukraine “trong vòng vài tháng”.
Admin
Nguồn: VnExpress