Câu chuyện về Xiao Li, một cử nhân ngành chẩn đoán hình ảnh quyết định bán kem xoài sau khi ra trường, đang gây xôn xao dư luận Trung Quốc, phơi bày những áp lực vô hình mà sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt.

Xiao Li, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học Y Đại Liên năm 2022. Sau một thời gian ngắn làm việc tại một bệnh viện ở Quảng Tây, cô quyết định nghỉ việc vì lý do cá nhân. Thay vì tìm kiếm một công việc khác liên quan đến chuyên ngành, tháng 4 năm 2025, cô mở một xe bán kem xoài nhỏ tại thành phố Hà Trì, Quảng Tây. Cô dự định vừa kiếm sống, vừa ôn thi công chức.
Sự việc bắt đầu thu hút sự chú ý khi những video ghi lại cảnh cô vừa làm kem, vừa chia sẻ kinh nghiệm học y trên mạng xã hội bất ngờ lan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, rắc rối ập đến khi Li đăng tải một video chia sẻ về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, trong đó có nhắc đến tên trường cũ.

Theo lời kể của Li, cô đã nhận được một cuộc gọi từ một người tự xưng là giáo viên của trường, yêu cầu cô gỡ video ngay lập tức. Cô gái trẻ cảm thấy áp lực bởi giọng điệu ra lệnh, cho rằng video có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh viên khóa dưới. Cuộc gọi và những tin nhắn thúc giục liên tục khiến cô phải dừng xe bên đường và xóa video.
Sự việc không dừng lại ở đó. Khi câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến quầy kem của cô, nhưng đi kèm với đó là những bình luận ác ý và chế giễu, cho rằng cô “làm ô danh trường”, “học hành kém cỏi”. Áp lực quá lớn khiến Li buộc phải tạm dừng công việc bán kem.
Trước những phản ứng trái chiều từ dư luận, Đại học Y khoa Đại Liên đã lên tiếng phủ nhận việc yêu cầu Xiao Li xóa video. Đại diện trường cho rằng cô có dấu hiệu dàn dựng sự việc để “câu view”, đồng thời khẳng định nhà trường luôn ủng hộ mọi lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có giáo viên nào đã gọi điện cho Li hay không, đại diện trường từ chối trả lời, làm dấy lên những nghi ngờ trong dư luận.
Câu chuyện của Xiao Li không chỉ là một trường hợp cá biệt. Nó phản ánh áp lực mà nhiều sinh viên mới ra trường phải đối mặt, đó là phải tìm được một công việc “đúng ngành” và “xứng với tấm bằng”. Việc một cử nhân y khoa bán kem đã vô tình chạm vào những định kiến về “nghề nghiệp sang – hèn” vẫn còn tồn tại trong xã hội Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì quá lo lắng về hình ảnh, các trường đại học nên tập trung hơn vào việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để thích ứng với thị trường lao động đầy biến động. Việc Xiao Li tự chủ kinh doanh, không phụ thuộc vào gia đình, là một minh chứng cho sự trưởng thành và khả năng thích ứng của cô.
Admin
Nguồn: VnExpress