Khó tiêu là tập hợp các triệu chứng khó chịu ở vùng bụng trên, bao gồm cảm giác no nhanh, đầy bụng, chướng bụng, nóng rát thượng vị (vùng trên rốn), buồn nôn, ợ hơi hoặc đau tức sau khi ăn. Đầy hơi, một triệu chứng thường gặp, là cảm giác bụng căng tức do tích tụ khí trong đường ruột, có thể kèm theo ợ hơi, sôi bụng hoặc xì hơi.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời, thường xảy ra sau bữa ăn. Trong nhiều trường hợp, đây chỉ là những rối loạn chức năng tiêu hóa thoáng qua. Tuy nhiên, nếu chúng tái phát thường xuyên hoặc kéo dài, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh tiêu hóa tiềm ẩn.
Khi tình trạng đầy bụng, khó tiêu kéo dài hoặc đi kèm với các dấu hiệu nghiêm trọng như sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, đau bụng, đi ngoài ra máu, nôn nhiều, hoặc sốt dai dẳng, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám sớm nhất có thể. Bác sĩ sẽ tiến hành khám và có thể chỉ định các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa, khó tiêu chức năng, viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích hoặc các bệnh lý về gan mật. Trong một số trường hợp, nội soi dạ dày – đại tràng, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm HP hoặc xét nghiệm phân và máu có thể được yêu cầu.
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra triệu chứng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm tiết axit dạ dày, thuốc kháng axit, thuốc tăng co bóp, thuốc chống đầy hơi hoặc men tiêu hóa trong thời gian ngắn. Đối với người bị nhiễm vi khuẩn HP, việc sử dụng kháng sinh theo phác đồ điều trị là cần thiết và người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chứng khó tiêu. Bạn nên ăn chậm, nhai kỹ và tránh nói chuyện trong khi ăn để hạn chế nuốt phải khí thừa. Chia nhỏ các bữa ăn thay vì ăn quá no, đồng thời hạn chế các loại thực phẩm dễ sinh hơi như đậu, bắp cải, súp lơ, hành sống, thực phẩm lên men, nước có gas, đồ ngọt nhân tạo, bia rượu. Tránh các món chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, thức ăn nhanh, rượu bia và cà phê, vì chúng có thể kích thích dạ dày tiết nhiều axit, gây khó tiêu.
Sau khi ăn, tránh nằm ngay mà nên đi lại nhẹ nhàng khoảng một giờ. Duy trì cân nặng hợp lý, vận động đều đặn, kiểm soát căng thẳng và tránh thức khuya cũng rất quan trọng. Các biện pháp hỗ trợ như sử dụng trà gừng, bạc hà hoặc nghệ đôi khi có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó tiêu. Nếu sau một thời gian áp dụng các biện pháp trên mà các triệu chứng không cải thiện, bạn nên tái khám để bác sĩ đánh giá lại tình trạng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp hơn.
Admin
Nguồn: VnExpress