Từ chỗ chỉ là công cụ hỗ trợ ban đầu, giúp quân đội Ukraine xác định vị trí đối phương, máy bay không người lái (drone) ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu, chi phối cục diện chiến trường.
Trên khắp chiến tuyến dài 1.200 km, cả Nga và Ukraine đều liên tục sử dụng drone cho nhiều mục đích khác nhau, từ rải mìn, vận chuyển đạn dược, thuốc men, đến sơ tán thương binh. Đặc biệt, các loại drone tự sát luôn sẵn sàng, giám sát mọi động thái và tấn công đối phương bất cứ lúc nào.
Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, khi các đoàn xe cơ giới Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2/2022, việc xác định nhanh chóng vị trí và hướng di chuyển của đối phương là vô cùng quan trọng. Những chiếc drone dân dụng giá rẻ, chỉ khoảng 2.000 USD, đã được tận dụng để theo dõi sát sao mọi hoạt động của quân đội Nga.

Nhờ những chiếc drone này, lực lượng Ukraine, dù thua kém về quân số và hỏa lực, đã có thể xác định chính xác vị trí cần triển khai quân, từ đó ngăn chặn hiệu quả các đợt tiến công của đối phương.
Drone trinh sát nhanh chóng chứng minh được vai trò quan trọng, chủ yếu được sử dụng để tìm kiếm khí tài, kho tàng và sở chỉ huy của đối phương.
Ban đầu, các nhóm phân tích phải xem xét video lưu trữ trên thẻ nhớ của drone sau khi chúng trở về căn cứ. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, họ đã chuyển sang sử dụng các loại drone có khả năng truyền hình ảnh trực tiếp, cho phép theo dõi mục tiêu theo thời gian thực, chỉ điểm và hiệu chỉnh pháo binh một cách chính xác.

Một cải tiến đơn giản nhưng hiệu quả đã biến những chiếc drone dân dụng thành vũ khí tấn công. Các kỹ sư Ukraine đã phát triển bộ ngàm kẹp, được chế tạo bằng máy in 3D, có thể gắn lựu đạn vào drone và kích hoạt bằng nút điều khiển đèn. Lựu đạn từ drone có thể gây thương vong cho binh sĩ, thậm chí phá hủy xe cơ giới nếu rơi trúng cửa nóc đang mở.
Theo thời gian, quân đội Ukraine liên tục thử nghiệm các phương pháp khác nhau để tăng sức công phá của drone, chẳng hạn như nhồi thêm thuốc nổ vào vỏ nhựa để giảm trọng lượng, cho phép drone mang được nhiều đạn hơn.
Nhiều chuyên gia phương Tây nhận định rằng, không có thiết bị nào gây ảnh hưởng lớn đến cuộc xung đột ở Ukraine hơn drone góc nhìn thứ nhất (FPV). Được trang bị thuốc nổ, drone FPV lao thẳng vào mục tiêu, trở thành vũ khí tự sát giá rẻ nhưng có sức sát thương cao.
Mặc dù sức công phá của drone FPV không bằng đạn pháo, chúng lại có độ chính xác vượt trội. Số lượng lớn drone FPV có thể mang lại hiệu quả tương đương với pháo binh.
Drone FPV bắt đầu xuất hiện trên chiến trường từ năm 2022, nhưng chỉ thực sự tạo ra sự thay đổi đáng kể trên tiền tuyến từ cuối năm 2023.

Vào thời điểm đó, quân đội Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn pháo nghiêm trọng do sự chậm trễ trong việc phê duyệt các gói viện trợ quân sự từ Mỹ. Drone FPV đã trở thành giải pháp cứu cánh, giúp Ukraine cầm chân đối phương, vì chúng có thể được sản xuất trong nước với chi phí thấp hơn nhiều so với tên lửa hoặc rocket do phương Tây viện trợ.
Phi công điều khiển drone FPV có thể ngồi trong các hầm trú ẩn cách xa tiền tuyến và tấn công mục tiêu một cách an toàn.

Quân đội Nga cũng nhanh chóng triển khai số lượng lớn drone FPV, khiến tiền tuyến gần như “đóng băng”. Bất cứ mục tiêu nào trong phạm vi 19-20 km đều có thể trở thành mục tiêu của drone FPV. Chúng có giá thành rẻ, cho phép cả hai bên sử dụng rộng rãi, ngay cả khi mục tiêu chỉ là một binh sĩ đơn lẻ.
Drone FPV cũng có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Ukraine đã bí mật đưa hàng chục drone FPV vào Nga và sử dụng chúng để phá hủy ít nhất 10 máy bay ném bom trong chiến dịch “Mạng nhện” vào tháng 6.
Do kích thước nhỏ và tốc độ cao, drone FPV rất khó bị bắn hạ. Biện pháp phòng thủ chính là sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu tín hiệu liên lạc giữa drone và người điều khiển.
Nhiều cải tiến về drone trong cuộc xung đột bắt nguồn từ Ukraine, nhưng quân đội Nga lại là bên tiên phong ứng dụng một cải tiến quan trọng: điều khiển drone bằng cáp quang. Điều này giúp drone hoàn toàn miễn nhiễm với các biện pháp gây nhiễu và đảm bảo độ chính xác gần như tuyệt đối trong các cuộc tấn công.
Đến năm 2024, mối đe dọa từ drone FPV khiến việc tiếp tế cho binh lính ở tiền tuyến trở nên vô cùng nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề này, Ukraine đã phát triển drone “Ma cà rồng”. Tên gọi này xuất phát từ khả năng hoạt động hiệu quả trong đêm tối.
Với chiều cao khoảng 60 cm, 6 hoặc 8 cánh quạt và khả năng mang tải trọng lên đến 9 kg, drone “Ma cà rồng” ban đầu được sử dụng để thả chất nổ lớn hơn so với các mẫu drone 4 cánh quạt.
Hiện nay, chúng còn được sử dụng để vận chuyển mọi thứ, từ thức ăn, nước uống đến đạn dược và sạc dự phòng ra tiền tuyến, giúp binh lính tránh phải di chuyển qua những khu vực nguy hiểm, nơi họ có thể bị drone đối phương tấn công bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng drone “không còn bất khả chiến bại” khi các bên tham chiến nhanh chóng thích nghi với tình hình mới.
Theo Mark Kimmitt, cựu chuẩn tướng và cố vấn ngoại trưởng Mỹ, “Kỷ nguyên thống trị chiến trường của drone đã đến hồi kết. Giống như những công nghệ quân sự từng được cho là sẽ thay đổi căn bản hình thức tác chiến, drone chỉ thống trị chiến trường trong một thời gian ngắn. Sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi các hệ thống chống drone hiệu quả xuất hiện.”
Admin
Nguồn: VnExpress