Ví điện tử, ngân hàng: Giao dịch không nghẽn quá 30 phút

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 15, trong đó có những quy định mới về thời gian gián đoạn tối đa của các dịch vụ ngân hàng và ví điện tử trực tuyến, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ.

Cụ thể, dự thảo quy định tổng thời gian gián đoạn cung ứng toàn bộ dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán trực tuyến không được vượt quá 4 giờ mỗi năm, và mỗi lần gián đoạn không quá 30 phút. Quy định này không áp dụng cho các trường hợp bất khả kháng hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước ít nhất 3 ngày.

Trong trường hợp sự cố gây gián đoạn dịch vụ vượt quá 30 phút, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong vòng 4 giờ. Sau khi khắc phục sự cố, trong vòng 3 ngày làm việc, đơn vị phải gửi báo cáo đầy đủ về tình hình cho Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân về tình trạng ứng dụng của một số ngân hàng hoặc tổ chức trung gian thanh toán gặp lỗi, không thể đăng nhập hoặc thực hiện giao dịch, đặc biệt vào các dịp cao điểm như lễ, Tết. Tình trạng này gây bức xúc cho khách hàng khi không thể quét mã QR thanh toán, hoặc gặp phải tình trạng nghẽn mạng, giao dịch bị treo tiền dù tài khoản đã bị trừ. Thêm vào đó, một số ngân hàng chậm trễ trong việc thông báo và xử lý sự cố, hoặc không thông báo trước cho khách hàng về việc bảo trì, nâng cấp hệ thống.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung quy định về thời gian gián đoạn là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều quốc gia khác cũng có quy định tương tự về thời gian gián đoạn tối đa. Singapore và Trung Quốc cũng quy định thời gian gián đoạn tối đa là 4 giờ mỗi năm. Một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) có yêu cầu khắt khe hơn, chẳng hạn như giới hạn 15 phút cho mỗi lần sự cố và yêu cầu các ngân hàng phải có kế hoạch dự phòng và hệ thống dự phòng để đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. Các tổ chức này cũng phải thực hiện kiểm tra định kỳ và báo cáo về tình trạng hệ thống, đồng thời chịu các chế tài xử lý như phạt tiền hoặc thu hồi giấy phép hoạt động nếu vi phạm quy định về thời gian gián đoạn.

Thông báo gián đoạn giao dịch trực tuyến của một ngân hàng. Ảnh: Thanh Lê
Ngân hàng thông báo gián đoạn giao dịch trực tuyến (Ảnh: Thanh Lê). Ảnh: Internet

Ngoài ra, dự thảo cũng siết chặt quy định về việc sử dụng bí danh, biệt danh trong giao dịch.

Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp lợi dụng việc ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng bí danh, biệt danh thay cho số hiệu, tên tài khoản thanh toán để tạo tên gần giống với các thương hiệu uy tín, nhằm mục đích lừa đảo. Hơn nữa, việc sử dụng bí danh, biệt danh có thể dẫn đến nguy cơ chuyển tiền nhầm do không hiển thị đầy đủ thông tin số hiệu và tên tài khoản khi lập lệnh thanh toán.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải kiểm tra, kiểm soát lệnh thanh toán, đảm bảo hiển thị đúng số hiệu tài khoản thanh toán và tên tài khoản thanh toán trong đơn mở và sử dụng tài khoản của khách hàng khi giao dịch, đồng thời hiển thị đầy đủ trên chứng từ.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *