Là một người dân Hà Nội, tôi hoàn toàn ủng hộ việc chuyển đổi từ phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch sang xe điện và phương tiện công cộng. Tuy nhiên, quá trình này cần một lộ trình khoa học, dài hạn và có sự đồng bộ ngay từ đầu để tránh những xáo trộn tiêu cực cho nền kinh tế và đời sống xã hội của người dân.
Hà Nội hoàn toàn có thể tiên phong trong lộ trình này, nhưng cần thực hiện từng bước, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Dưới đây là một số giải pháp mà tôi cho là hợp lý và khả thi.
Trước hết, nên ưu tiên chuyển đổi xe dịch vụ chạy xăng trong vành đai 1. Ngay trong năm 2025, Hà Nội có thể xem xét tạm dừng cấp phép mới cho xe máy và ô tô chạy xăng hoạt động trong lĩnh vực xe công nghệ và taxi ở khu vực vành đai 1. Việc này nên áp dụng riêng cho xe dịch vụ, bởi tần suất hoạt động của chúng cao gấp nhiều lần so với xe cá nhân, đồng nghĩa với việc lượng khí thải cũng cao hơn đáng kể.
Đây cũng là nhóm đối tượng dễ chuyển đổi nhất, ít gây xáo trộn cho xã hội và mang lại lợi ích cho cả ba bên: thành phố giảm ô nhiễm, tài xế tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi di chuyển nhiều, và người dân được hưởng môi trường sống trong lành hơn. Thực tế, xe điện càng được sử dụng với tần suất cao thì càng hiệu quả về mặt kinh tế, do chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với xe xăng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn người lao động trong lĩnh vực xe công nghệ và taxi truyền thống có thu nhập thấp và công việc bấp bênh. Nhiều người còn phải vay nợ để mua xe. Vì vậy, lộ trình chuyển đổi cần kéo dài và đi kèm với các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Tôi đề xuất thành phố nên triển khai chương trình thu cũ đổi mới, hỗ trợ tài chính thông qua các khoản vay không lãi suất, miễn lệ phí trước bạ, phí đăng ký hoặc trợ giá trực tiếp cho xe điện đối với những người chuyển đổi sớm. Điều này không chỉ thể hiện tính nhân văn mà còn giúp chính sách được người dân ủng hộ và thực hiện hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc siết chặt tiêu chuẩn xe điện và đầu tư vào hạ tầng phù hợp cũng rất quan trọng. Xe điện không phải là giải pháp “thần kỳ”. Nếu không quản lý chặt chẽ, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ trở thành “bãi rác pin” trong tương lai. Cần đặt ra các tiêu chuẩn cao về pin xe điện, yêu cầu pin có tuổi thọ dài, khả năng tái chế tốt và độ an toàn cao. Nhà nước cần có quy định yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý pin sau khi hết vòng đời.
Đồng thời, cần nâng cấp hạ tầng điện, đặc biệt là trong bối cảnh hàng triệu điều hòa và xe điện cùng hoạt động vào mùa hè. Nâng cao tải và hiệu suất lưới điện là điều bắt buộc để tránh tạo ra một cuộc “khủng hoảng năng lượng” mới.
Một giải pháp minh bạch và dễ thực hiện khác là bắt buộc dán nhãn năng lượng cho tất cả các phương tiện, bao gồm cả xe máy và ô tô. Việt Nam có thể học hỏi Liên minh châu Âu, nơi tất cả các xe đều được phân loại theo mức phát thải từ 0 đến 5 (0 là xe điện, 1 là xe đạt chuẩn khí thải Euro 5+, 2 là Euro 5, 3 là Euro 4…).
Từ đó, chính quyền có thể quy định loại xe nào được phép lưu thông trong vành đai 1, đặc biệt là vào giờ cao điểm, và nâng dần tiêu chuẩn này qua từng năm. Như vậy, người dân sẽ có thời gian để thích nghi, đồng thời giảm được lượng khí thải mà không gây ra sự gián đoạn đột ngột trong cuộc sống đô thị.
Tôi hiểu rằng xe điện chưa thể thay thế hoàn toàn xe xăng dầu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa hoặc trong các hoạt động vận tải đặc thù. Tuy nhiên, đối với các đô thị lớn như Hà Nội, việc xây dựng một lộ trình chuyển đổi linh hoạt, bài bản và nhân văn là hoàn toàn khả thi và cần được thực hiện ngay từ bây giờ.
Chúng ta sẽ chờ đợi đến khi ô nhiễm không khí trở thành một cuộc khủng hoảng y tế, hay chủ động thay đổi ngay từ hôm nay để xây dựng một đô thị xanh và bền vững cho thế hệ tương lai?
Admin
Nguồn: VnExpress