Bong võng mạc là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi lớp võng mạc, nơi chứa các tế bào thần kinh thị giác quan trọng, bị tách khỏi vị trí bình thường của nó. Sự tách rời này có thể dẫn đến suy giảm thị lực và nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
Các dấu hiệu cảnh báo bong võng mạc bao gồm: xuất hiện các tia sáng lóe lên (chớp sáng), thấy nhiều đốm đen hoặc vệt mờ trôi nổi trước mắt (hiện tượng ruồi bay). Một số người bệnh có thể trải qua tình trạng mờ mắt đột ngột hoặc cảm giác như có một bóng tối hay một tấm rèm che khuất một phần tầm nhìn, đặc biệt là ở vùng ngoại vi. Việc bạn đã có dấu hiệu giảm tầm nhìn và được chẩn đoán bong võng mạc cho thấy cần phải can thiệp sớm để bảo tồn thị lực.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bong võng mạc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp này bao gồm sử dụng laser (hàn võng mạc bằng tia laser), áp lạnh (cryotherapy) kết hợp với đặt đai silicon xung quanh nhãn cầu để cố định võng mạc, hoặc phẫu thuật nội nhãn (cắt dịch kính) trong trường hợp bệnh đã tiến triển nặng. Mục tiêu của các phương pháp điều trị là đưa võng mạc trở lại vị trí bình thường và khôi phục chức năng thị giác. Thời gian điều trị là yếu tố then chốt, việc điều trị sớm sẽ mang lại khả năng phục hồi thị lực cao hơn.
Phẫu thuật cắt dịch kính là một kỹ thuật phức tạp, đôi khi kết hợp với việc bơm khí nở hoặc dầu silicone để ép chặt võng mạc trở lại vị trí ban đầu. Thị lực thường không phục hồi ngay lập tức sau phẫu thuật cắt dịch kính mà sẽ cải thiện dần theo thời gian. Do đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch tái khám và các hướng dẫn chăm sóc mắt của bác sĩ. Điều quan trọng cần lưu ý là tình trạng bong võng mạc có thể tái phát sau phẫu thuật, vì vậy việc chăm sóc mắt cẩn thận và tái khám định kỳ là rất cần thiết.
Một số nhóm người có nguy cơ cao bị bong võng mạc, bao gồm những người bị cận thị nặng (do thoái hóa võng mạc do trục nhãn cầu bị kéo dài) và người trên 50 tuổi (do quá trình thoái hóa tự nhiên của mắt theo tuổi tác). Chấn thương trực tiếp vào mắt, chẳng hạn như tai nạn hoặc va đập mạnh, cũng có thể gây ra bong võng mạc. Ngoài ra, các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ tổn thương võng mạc. Đặc biệt, những người đã từng trải qua phẫu thuật mắt, ví dụ như phẫu thuật đục thủy tinh thể, cũng cần lưu ý. Việc đánh giá các yếu tố nguy cơ này sẽ giúp bạn chú ý hơn đến việc chăm sóc sức khỏe mắt và kiểm soát các bệnh lý ảnh hưởng đến thị lực.
Admin
Nguồn: VnExpress