Tối ngày 16/7, tôi tình cờ thấy trên mạng xã hội hình ảnh một vụ tai nạn giao thông liên hoàn nghiêm trọng tại Hà Nội. Những chiếc xe nằm ngổn ngang, những dòng bình luận xót xa về người tử vong, và một người đàn ông dáng vẻ nhỏ bé, thất thần đứng trên vỉa hè, được cho là người gây ra vụ việc đau lòng này.
Thông tin sau đó được báo chí xác nhận. Tài xế gây tai nạn khai rằng đã buồn ngủ sau khi uống rượu. Hình ảnh người đàn ông với quần tây, áo sơ mi trắng, gợi lên vẻ ngoài của một người có học thức. Và thực tế, anh ta là một giảng viên của một trường cao đẳng.
Trên các diễn đàn trực tuyến, những đoạn video và hình ảnh ghi lại chiếc xe của giảng viên này chạy ngược chiều, lạng lách trên đường, thậm chí nôn ói ngay khi đang lái xe lan truyền rộng rãi. Chứng kiến những hình ảnh đó, tôi không còn thấy một con người sau tay lái, mà chỉ là sự điều khiển của “ma men”.
Thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đã được truyền tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và trong cộng đồng suốt một thời gian dài, đi kèm với những hình phạt nghiêm khắc. Ngay cả trẻ con cũng thuộc nằm lòng điều này. Vậy mà, một người có học thức lại vi phạm, thật khó hiểu.
Vị giảng viên này dạy về hóa sinh, hơn ai hết, lẽ ra phải hiểu rõ tác động của cồn lên cơ thể, những hệ lụy khi uống quá nhiều. Thế nhưng, nồng độ cồn đo được trong máu anh ta lại vượt quá gấp đôi mức cho phép cao nhất. Tại sao một người có tri thức, có hiểu biết lại để “ma men” chiếm đoạt lý trí? Phải chăng đó là sự coi thường pháp luật, sự tự tin thái quá vào khả năng lái xe của bản thân, hay là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng? Có lẽ là tất cả những điều đó.

Việc người này lái xe ngược chiều làm dấy lên suy đoán rằng anh ta cố tình tránh các chốt kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông. Trong trạng thái say xỉn đến mức buồn ngủ, có lẽ anh ta đã không còn đủ tỉnh táo để nghĩ đến sự an toàn của người khác.
Phải chăng các quy định hiện hành về nồng độ cồn chưa đủ sức răn đe? Hay lực lượng chức năng đã nới lỏng việc kiểm tra trong thời gian gần đây, khiến nhiều người cố tình vi phạm?
Những người bạn đã uống rượu cùng anh ta ở đâu? Họ đã gọi taxi về hay cũng tự lái xe trong tình trạng say xỉn? Có ai đó đã can ngăn anh ta trước khi anh ta ra về hay không? Trong những cuộc vui, liệu có ai đưa ra “nghị quyết” rằng hôm đó sẽ không ai lái xe? Có lẽ là không.
Giờ đây, mọi sự hối hận đều đã muộn màng. Nạn nhân thiệt mạng có lẽ đã không kịp nhận ra điều gì đang xảy ra, không kịp sợ hãi trước “con ma men” lao tới. Nỗi đau và sự ám ảnh sẽ còn dai dẳng trong lòng người thân của họ và cả chính người gây ra tai nạn.
Việc uống rượu không ai cấm đoán, nhưng cần phải uống có trách nhiệm. Nếu có thể bỏ ra vài triệu đồng cho một cuộc nhậu, tại sao lại không thể chi vài trăm nghìn để đi taxi?

Tội ác gây ra bởi rượu bia khi tham gia giao thông là vô cùng nghiêm trọng. Đây không phải là lần đầu tiên những tai nạn thương tâm xảy ra. Đã có bao nhiêu gia đình mất đi người thân, bao nhiêu người phải chịu những tổn thương về thể xác và tinh thần, bao nhiêu ước mơ phải dang dở chỉ vì niềm vui nhất thời trên bàn nhậu.
Để không còn những nỗi đau và mất mát, mỗi người nên chọn cách vui chơi có trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Xin nhắc lại: không lái xe sau khi uống rượu bia, đừng để “ma men” cướp đi tính mạng của bạn và người khác.
Admin
Nguồn: VnExpress