Trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa vô cùng quan trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, thời điểm nào ăn trái cây là tốt nhất, và ăn như thế nào để cơ thể hấp thụ tối đa dưỡng chất?
Thông thường, trái cây được tiêu hóa khá nhanh, trung bình từ 30 đến 60 phút, do thành phần chủ yếu là nước, đường đơn (fructose, glucose), chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trong khi đó, các loại thực phẩm giàu đạm hoặc chất béo có thể mất từ 2 đến 4 giờ để tiêu hóa. Phần lớn carbohydrate và chất xơ trong trái cây sẽ được tiêu hóa hoặc lên men ở ruột non và ruột già.
Đối với người khỏe mạnh, việc ăn trái cây vào thời điểm nào trong ngày không quá quan trọng. Bạn có thể ăn trước, trong hoặc sau bữa ăn đều được. Tuy nhiên, đối với một số đối tượng đặc biệt, thời điểm ăn trái cây có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả hấp thụ.
Nếu bạn đang muốn kiểm soát cân nặng, hãy ăn trái cây trước bữa ăn khoảng 30-60 phút. Điều này sẽ giúp tạo cảm giác no, từ đó bạn sẽ ăn ít hơn trong bữa chính và giảm lượng calo tổng thể nạp vào cơ thể.
Đối với người bị tiểu đường, việc ăn trái cây kèm trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu ổn định hơn.
Những người có dạ dày nhạy cảm nên ăn trái cây sau bữa ăn khoảng 1-2 giờ và tránh ăn khi bụng đói để giảm kích ứng dạ dày. Nếu bạn mắc hội chứng ruột kích thích hoặc có đường ruột nhạy cảm, hãy ăn trái cây cách bữa ăn ít nhất 2 giờ và chọn các loại dễ tiêu hóa như chuối, đu đủ, dưa lưới, việt quất, kiwi, bơ, táo.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đến đặc tính của từng loại trái cây để lựa chọn thời điểm ăn phù hợp. Các loại trái cây chua nên ăn sau bữa ăn, còn trái cây ngọt thì có thể dùng trong bữa ăn. Các loại trái cây giàu chất xơ có thể ăn vào bất kỳ thời điểm nào nếu bạn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Người có bụng yếu nên ăn trái cây cách xa bữa chính để tránh bị đầy bụng, khó tiêu. Tránh ăn quá nhiều dưa hấu hoặc lê gần giờ đi ngủ vì chúng có thể gây tiểu đêm và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Lắng nghe cơ thể là điều quan trọng nhất. Nếu bạn cảm thấy khó chịu khi ăn trái cây vào một thời điểm nào đó, hãy điều chỉnh và chọn thời điểm khác phù hợp hơn. Mỗi người nên ăn khoảng 200-300g trái cây mỗi ngày, chia thành 2-3 lần để tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và phòng ngừa các bệnh mãn tính.
Để tốt cho tiêu hóa và sức khỏe, hãy ưu tiên ăn trái cây đúng mùa. Trái cây đúng mùa thường tươi ngon, giàu dinh dưỡng và ít chứa hóa chất bảo quản. Nên ăn trái cây ngay sau khi gọt hoặc cắt để tránh mất vitamin C và các chất chống oxy hóa, đồng thời đảm bảo cơ thể hấp thụ tốt nhất các chất dinh dưỡng.
Cuối cùng, những người có bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai hoặc người có bệnh tim mạch, huyết áp nên hạn chế ăn các loại trái cây chứa nhiều đường như mít, sầu riêng, xoài chín, nho. Thay vào đó, hãy chọn các loại trái cây ít ngọt hơn như táo, bưởi, thanh long, dưa gang và ăn với lượng vừa phải để tránh làm tăng đường huyết hoặc gây rối loạn tiêu hóa.
Admin
Nguồn: VnExpress