Những thay đổi lớn trong tổ chức bộ máy và chiến lược phát triển đất nước đang tạo ra một cơ chế lý tưởng để doanh nhân phát huy vai trò lớn hơn trong công cuộc xây dựng đất nước. Các định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ mở ra nhiều cơ hội cho giới doanh nhân làm kinh tế.
Nghị quyết 45 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu thông qua các mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tiếp đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, chủ thể và nguồn lực chính của doanh nhân, doanh nghiệp và người dân trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nhấn mạnh vai trò dẫn dắt và tạo điều kiện của Nhà nước.

Loạt chính sách được ban hành đồng bộ thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, xử lý nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó linh hoạt với các biến động toàn cầu. Bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định cần xây dựng đội ngũ doanh nhân thật sự trở thành chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Đây là sự ghi nhận và gửi gắm niềm tin sâu sắc của Đảng đối với doanh nhân, những người đang góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Để đáp ứng kỳ vọng này, doanh nhân cần có bản lĩnh thương trường, lý tưởng phụng sự Tổ quốc, và biết hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, dân tộc, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, có trách nhiệm và nhân văn.
Việc sáp nhập tỉnh thành không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại bản đồ hành chính, mà còn là một cuộc “tái lập nguồn lực”. Các tỉnh, thành mới được hợp nhất sẽ sở hữu hệ sinh thái tự nhiên đa dạng hơn, nguồn nhân lực phong phú hơn, tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách kinh tế và chiến lược phát triển nhân lực một cách hiệu quả và đồng bộ. Sự thay đổi này cũng tạo đột phá trong liên kết vùng, thu hẹp chênh lệch về điều kiện tự nhiên và văn hóa hành chính, từ đó tăng cường khả năng hợp tác và phối hợp giữa các địa phương.
Để thật sự chuyển mình thành công, Khánh Hòa cần quy hoạch phát triển dựa trên hai trục không gian trọng yếu: không gian địa lý biển đảo và không gian văn hóa bản sắc. Khánh Hòa sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng và cảnh quan đặc sắc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, một cột mốc chủ quyền thiêng liêng và ngư trường rộng lớn. Cần sớm quy hoạch Trường Sa thành trung tâm hậu cần nghề cá, nghiên cứu biển, du lịch sinh thái và cứu hộ biển đảo, từng bước hình thành xã hội trên biển, tạo thế mạnh cạnh tranh trong khu vực. Để thực hiện điều này, cần xây dựng một học viện chuyên sâu về khoa học biển, kinh tế biển đảo, kết nối với các viện nghiên cứu và đại học trong và ngoài nước, chuyển giao tri thức và công nghệ biển cho người dân địa phương.
Về không gian văn hóa bản sắc, Khánh Hòa là nơi hội tụ văn hóa của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là văn hóa Chăm Pa. Văn hóa là nền tảng nhận diện, cạnh tranh và định vị bản sắc kinh tế quốc gia, là nguồn lực mềm giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Nếu biết tích hợp khéo léo vào quy hoạch phát triển, Khánh Hòa có thể tạo nên một mô hình kinh tế giàu bản sắc.

Việc Công ty Trầm Hương Khánh Hòa và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) hợp tác chiến lược để phát triển kinh tế thông qua văn hóa và điện ảnh là một ví dụ điển hình. Sự phối hợp tổ chức các sự kiện như Liên hoan phim, xây dựng không gian văn hóa Trầm Hương tại Nha Trang, sản xuất và quảng bá các tác phẩm điện ảnh mang bản sắc dân tộc cho thấy mô hình hợp tác công-tư sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Trầm Hương Khánh Hòa quyết tâm thực hiện sứ mệnh “Hương thơm Việt Nam – Linh thiêng cao quý – Kết nối tin yêu”.
Việt Nam đang khẳng định mạnh mẽ hình ảnh một quốc gia hòa bình, ổn định và phát triển, một đối tác tin cậy, luôn đề cao hợp tác cùng có lợi. Những cải cách sâu rộng về thể chế, mô hình tăng trưởng và quản trị quốc gia cho thấy Việt Nam đủ năng lực để tổ chức, điều phối và kiến tạo môi trường phát triển hấp dẫn trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất ổn. Việc Việt Nam được 120 quốc gia đề cử làm Chủ tịch Hội nghị Kiểm điểm lần thứ 11 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2026 là minh chứng cho uy tín và năng lực của Việt Nam trong các vấn đề an ninh toàn cầu. Các nhà đầu tư và đối tác quốc tế sẽ nhìn thấy ở đây cơ hội và nền tảng để phát triển lâu dài.
Admin
Nguồn: VnExpress