Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ đưa ra “thông báo lớn” về Nga, nhiều người dân Ukraine đã nuôi hy vọng về một động thái mạnh mẽ từ Nhà Trắng nhằm gây áp lực, buộc Moscow chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm.
Tuy nhiên, sự kỳ vọng này nhanh chóng tan biến khi ông Trump tuyên bố vào ngày 14/7 rằng Mỹ sẽ áp dụng “thuế quan mạnh tay” đối với Nga nếu Moscow không đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến sự ở Ukraine trong vòng 50 ngày. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra một “tối hậu thư” tương tự. Những thời hạn trước đó mà ông từng đặt ra, bao gồm 24 giờ, hai tuần và 100 ngày, đều đã trôi qua mà không mang lại kết quả như mong đợi.
Iryna Tsilyk, một đạo diễn phim sống tại Kiev, chia sẻ: “Là một người Ukraine sống ở Kiev, sau những tuyên bố của ông Trump, tôi chỉ cảm thấy mệt mỏi và hoài nghi. Tổng thống Trump đã nhiều lần thể hiện sự thiếu nhất quán giữa lời nói và hành động.”
Tương tự, ông Oleksii, một người hưu trí 74 tuổi ở Kiev, cho rằng thông báo mới của Tổng thống Mỹ không có gì đặc biệt, bởi ông ấy “đã nói những điều tương tự khoảng 20 lần”. Ông Oleksii nhấn mạnh: “Hứa hẹn không đồng nghĩa với thực hiện.”
Mức thuế quan thứ cấp 100% mà ông Trump đe dọa áp đặt lên các quốc gia mua dầu khí của Nga thậm chí còn thấp hơn mức đề xuất trong dự luật được Thượng viện Mỹ soạn thảo, khi các nhà lập pháp mong muốn áp mức thuế lên tới 500%.
Mặc dù vậy, một số người Ukraine vẫn ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý trong giọng điệu của ông Trump đối với Nga gần đây. Tổng thống Mỹ đã công khai bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Vladimir Putin, cho rằng hai bên đã có thể đạt được thỏa thuận từ hai tháng trước, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Nghị sĩ đảng đối lập Ukraine Holos, ông Yaroslav Yurchyshyn, nhận định những bình luận của ông Trump là “tín hiệu tích cực”, song cũng cảnh báo không nên quá lạc quan về việc sự thay đổi này có thể kéo dài. Ông nói: “Điều quan trọng là phải theo dõi những diễn biến tiếp theo, bởi trong các tuyên bố của ông Trump, cảm xúc thường quan trọng hơn chi tiết.”
Trong khi đó, nghị sĩ Volodymyr Ariev từ đảng đối lập Đoàn kết châu Âu cho rằng thời hạn 50 ngày “có thể được coi là lời cảnh báo cuối cùng dành cho Nga” nếu ông Trump không thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự hoài nghi: “Nhưng chúng ta không biết liệu ông ấy có giữ vững lập trường cho tới khi thời hạn này kết thúc hay không.”

Đối với một quốc gia đã trải qua hơn ba năm chiến tranh như Ukraine, 50 ngày là một khoảng thời gian dài, đặc biệt khi Nga gần đây đã tăng cường các đợt không kích dữ dội. Trong cuộc điện đàm thứ sáu với ông Trump vào đầu tháng này, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga sẽ đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong chiến dịch ở Ukraine, đó là loại bỏ mọi nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột hiện nay.
“Nguyên nhân gốc rễ” mà Nga đề cập đến bao gồm “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” Ukraine, bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng Donbass, chống lại sự mở rộng của NATO về phía đông và bảo đảm trạng thái trung lập của Kiev. Gần đây, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục kiểm soát bốn tỉnh đã sáp nhập của Ukraine, điều mà Kiev kiên quyết bác bỏ.
Oleksandr Merezhko, một nhà lập pháp kiêm chủ tịch ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, lo ngại rằng Moscow có thể coi thông báo của ông Trump như một tín hiệu “bật đèn xanh” hơn là một tối hậu thư. Ông nói: “Thời hạn 50 ngày có thể được ông Putin xem như một cơ hội để tăng cường đà tiến công trong mùa hè trên khắp mặt trận.”

Nhiều binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến cũng tỏ ra hoài nghi về tuyên bố mới của ông Trump. Petro, một binh sĩ thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 38 đang chiến đấu ở Pokrovsk, bày tỏ: “Tôi không hiểu sao chúng ta cần 50 ngày, khi nhiều người sẽ chết trong khoảng thời gian đó.”
Cùng với thông báo trên, cũng có một số tin tức đáng khích lệ cho Ukraine. Lãnh đạo Mỹ cho biết một số hệ thống phòng không Patriot và tên lửa có thể đến Ukraine “trong vài ngày”. Ông Trump và Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng công bố kế hoạch mới, theo đó liên minh sẽ mua vũ khí hiện đại từ Mỹ và chuyển một số đến Ukraine. Mỹ dự kiến bán khoảng 10 tỷ USD vũ khí, bao gồm tên lửa, vũ khí phòng không và đạn pháo, cho các đồng minh NATO trong đợt đầu tiên.
Tuy nhiên, ngay cả những thông tin này cũng không thể xua tan hết tâm trạng mệt mỏi và hoài nghi ở Ukraine, khi ông Trump vẫn chưa có bất kỳ hành động cụ thể nào để buộc Nga chấm dứt xung đột trong sáu tháng qua. Dmytro, một binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine, kết luận: “Những tuyên bố của ông ấy không đi kèm hành động. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ động thái quyết đoán, mạnh mẽ nào từ chính quyền Trump, mà chỉ thấy những điều bất lợi cho Ukraine.”
Admin
Nguồn: VnExpress