Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được biết đến với tên gọi chùa Đức La, tọa lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Tân An, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây nổi tiếng với việc lưu giữ hơn 3.000 mộc bản quý giá, ghi chép kinh sách, sách thuốc và luật giới nhà Phật, có niên đại chủ yếu từ thế kỷ 17 đến 19. Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm là một phần quan trọng của quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn Kiếp Bạc, vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp lần thứ 47 diễn ra vào ngày 12/7.
Trong gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển, chùa Vĩnh Nghiêm từng là trung tâm đào tạo tăng đồ của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây lưu giữ nhiều di vật có giá trị, bao gồm hệ thống tượng thờ với hơn 100 pho tượng, các bức hoành phi, câu đối, kho kinh sách nhà Phật được khắc trên mộc bản, cùng 8 tấm văn bia ghi lại toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng một hecta, với bố cục quy hoạch theo trục chính hướng về phía đông nam. Kiến trúc chùa bao gồm bốn khối nhà chính: Tòa Thiên đường, tòa Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông và nhà Tổ đệ nhị, cùng với một số công trình phụ trợ khác.
Chùa là nơi thờ tự ba vị tổ sư có công lớn trong việc sáng lập, truyền thừa và phát triển thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, góp phần xây dựng và mở rộng Phật giáo Việt Nam, bao gồm: Đệ Nhất Tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa và Đệ Tam Tổ Huyền Quang.
Ba pho tượng được tạc bằng gỗ mít từ thế kỷ 19, mang đậm giá trị nghệ thuật và lịch sử, đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2024.
Nhà lưu giữ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với mục đích bảo quản hơn 3.000 mộc bản quý giá của dòng thiền Trúc Lâm. Công trình này bao gồm khu trưng bày và khu lưu giữ, được thiết kế chắc chắn bằng gỗ, có khả năng chống ẩm và mối mọt. Trước đây, các mộc bản này được lưu giữ tại nhà Tam Bảo và dãy hành lang của chùa, nơi có nguy cơ bị mối mọt, ẩm mốc và thiếu các điều kiện bảo quản chuyên biệt.
Trong số các mộc bản được lưu giữ, có Mộc bản Kính tín lục, được khắc vào năm 1876 bằng chữ Hán. Mộc bản này bao gồm nhiều tác phẩm thuộc Đạo giáo và một số ít tác phẩm thuộc Nho giáo và Phật giáo. Nội dung sách khuyến khích con người làm điều thiện, răn đe những điều ác, giáo dục kỹ năng sống và có sức truyền cảm lớn. Ngoài ra, ở phần cuối sách còn có một số phương thuốc chữa bệnh theo phương pháp dân gian.
Nhà lưu giữ còn trưng bày nhiều loại ngói cổ có niên đại từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 15, được phát hiện trong đợt khai quật năm 2015.
Tháp chuông của chùa Vĩnh Nghiêm có hai tầng, cao gần 8 mét, với mái chồng diềm 6 tầng. Tháp nằm trên trục dọc giữa nhà Tổ đệ nhất và nhà Tổ đệ nhị. Tầng trên của tháp có sàn gỗ, nơi treo một quả chuông lớn được đúc vào đầu thế kỷ 19. Tầng dưới được sử dụng làm nơi tiếp khách, với kết cấu khung gỗ lim được chạm khắc tinh xảo theo phong cách thời Nguyễn, tạo nên một nét kiến trúc đẹp và hài hòa.
Không gian phía trước điện thờ Tam thánh tổ được trồng nhiều loại cây xanh, trong đó có cây nhập nhân được trồng từ năm 1330.
Cách chùa Vĩnh Nghiêm khoảng 40km, chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa cổ kính và độc đáo nhất của vùng Kinh Bắc. Chùa tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn) thuộc phường Vân Hà, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Bổ Đà được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, dưới thời nhà Lý, và đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn vào thời Lê Trung Hưng.
Mộc bản của chùa Bổ Đà là một trong những kho mộc bản kinh Phật cổ và quý giá nhất tại Việt Nam, với gần 2.000 tấm được khắc bằng gỗ thị, có niên đại từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Phần lớn các mộc bản này được khắc dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786).
Những mộc bản này được bảo quản rất tốt và vẫn còn sắc nét sau gần 300 năm, không bị mối mọt nhờ chất liệu gỗ thị đặc biệt được sử dụng để khắc và không sử dụng hóa chất bảo quản. Phòng bảo quản mộc bản được trang bị đồng hồ theo dõi nhiệt độ và độ ẩm để kiểm soát môi trường bên trong.
Vườn tháp của chùa Bổ Đà nằm trên sườn núi Phượng Hoàng, có diện tích gần 8.000 m2, được xem là vườn tháp cổ lớn nhất và đẹp nhất tại Việt Nam. Vườn tháp có khoảng 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ, trong đó có 97 ngôi tháp cổ hàng trăm năm tuổi, nơi chôn giữ tro cốt xá lỵ của hơn 1.200 tăng ni tu hành thuộc dòng thiền Lâm Tế từ khắp cả nước.
Kiến trúc của các tháp mộ trong vườn hầu hết là tháp 3-4 tầng, cao từ 3-5 mét. Riêng tháp của sư tổ có kích thước lớn và đồ sộ hơn. Các tháp này được xây bằng gạch chỉ, đá núi, với mạch vữa làm từ mật mía và bột giấy bản, tạo nên một kết cấu vững chắc và bền bỉ qua nhiều thế kỷ.
Vườn tháp đã được công nhận là Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2016.
Bao quanh vườn tháp là một bức tường cổ kính được xây bằng đá núi, gạch chỉ và đất nện, tạo nên một không gian u tịch, yên tĩnh, rất phù hợp với không khí tu hành, tưởng niệm và thiền định.
Admin
Nguồn: VnExpress