Hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể, chứa các tế bào bạch cầu giúp nhận diện và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Chúng có mặt ở khắp nơi, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng cổ, nách và bẹn. Khi trẻ bị viêm họng do virus hoặc vi khuẩn, các hạch bạch huyết ở cổ có thể phản ứng bằng cách phì đại để chống lại mầm bệnh, dẫn đến sưng to (thường khoảng 1-1,5 cm) và gây đau khi chạm vào.

Việc trẻ bị nổi hạch sau viêm họng thường là một phản ứng bình thường và là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động hiệu quả để bảo vệ cơ thể. Các hạch này thường sẽ tự nhỏ lại và biến mất sau khi trẻ khỏi bệnh hoàn toàn, quá trình này có thể kéo dài từ 1 đến 4 tuần.
Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi sát sao và đưa trẻ đi khám ngay nếu hạch có các dấu hiệu bất thường như: sưng to rất nhanh, đường kính lớn hơn 2-2,5 cm, đau dữ dội khi chạm vào, vùng da trên hạch sưng đỏ và nóng ran, hạch cứng, dính chặt vào các mô xung quanh và không di chuyển khi ấn nhẹ, hoặc tình trạng kéo dài hơn 4 tuần. Ngoài ra, cần lưu ý nếu trẻ có các triệu chứng toàn thân đi kèm như sốt cao không hạ hoặc tái đi tái lại dù đã hết viêm họng, mệt mỏi, lừ đừ, sút cân, hạch quá to chèn ép đường thở hoặc đường ăn gây khó nuốt, khò khè, hoặc xuất hiện thêm hạch ở các vị trí khác như nách, bẹn mà không rõ nguyên nhân.
Trong trường hợp của bé, hiện tại chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Việc tập trung điều trị dứt điểm viêm họng là cách tốt nhất để giúp hạch tự nhỏ lại. Phụ huynh nên cho trẻ dùng thuốc viêm họng theo đúng chỉ định của bác sĩ, đảm bảo đủ liều, khuyến khích trẻ uống đủ nước, ăn các món mềm, dễ nuốt và đủ dinh dưỡng, đồng thời cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ. Tránh tự ý nặn, chườm nóng hoặc xoa dầu vào hạch vì các tác động mạnh có thể gây viêm nhiễm, khiến hạch sưng to hơn. Có thể chườm ấm nhẹ nhàng khoảng 10 phút, 2 lần mỗi ngày nếu trẻ cảm thấy khó chịu. Quan trọng là theo dõi kích thước hạch thường xuyên và đưa trẻ đi khám ngay nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào.
Nguy hiểm hơn, nếu sau hai tuần trẻ đã khỏi viêm họng mà hạch vẫn không khỏi, thậm chí sưng đỏ, nóng, đau và có dấu hiệu hóa mủ, thì có thể đã tiến triển thành áp xe hạch (viêm hạch mưng mủ). Đây là tình trạng hạch chứa đầy vi khuẩn, xác bạch cầu và các mô chết. Nếu không được điều trị kịp thời, ổ áp xe có thể tự vỡ, lan vào các mô xung quanh gây viêm mô tế bào, hoặc thậm chí xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết. Trong trường hợp này, tuyệt đối không tự ý nặn mủ hoặc đắp bất kỳ loại lá cây, thuốc nam hay cao dán nào lên hạch, vì có thể làm tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn, gây nhiễm trùng thứ phát và làm chậm trễ việc điều trị đúng cách. Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, rạch dẫn lưu mủ và sử dụng kháng sinh phù hợp.
Admin
Nguồn: VnExpress