Bí quyết chống nóng độc đáo từ khu phố cổ Dubai

Giữa lòng Dubai hiện đại, khu phố cổ Al Fahidi với những công trình từ thế kỷ 18 đang trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho kiến trúc đương đại. Không chỉ là chứng nhân lịch sử, những ngôi nhà ở đây còn sở hữu bí quyết làm mát tự nhiên độc đáo, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và cung cấp giải pháp bền vững trước thách thức biến đổi khí hậu.

Một tòa nhà ở khu phố cổ của Dubai. Ảnh: Soumya Gayatri
Kiến trúc Dubai: Vẻ đẹp cổ kính (Ảnh: Soumya Gayatri). Ảnh: Internet

Khi nhiệt độ ở Dubai có thể lên tới 51 độ C, và cảm giác nóng ngoài trời đạt ngưỡng 62 độ C do độ ẩm cao, nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng vọt. Tại UAE, điều hòa chiếm tới 70% lượng điện tiêu thụ vào mùa hè. Trong bối cảnh đó, những kỹ thuật làm mát thụ động truyền thống tại Al Fahidi trở nên đặc biệt giá trị, giúp giảm sự phụ thuộc vào năng lượng và tiết kiệm chi phí.

Khu phố Al Fahidi hình thành từ thế kỷ 18, khi tổ tiên của người Emirati chuyển từ cuộc sống du mục sang định cư dọc theo vịnh Dubai. Họ đã xây dựng những ngôi nhà thông minh, thích ứng hoàn hảo với khí hậu sa mạc khắc nghiệt. Các yếu tố thiết kế như tháp đón gió (barjeel), sân trong khép kín, cửa sổ lưới (mashrabiya), vật liệu xây dựng từ đá san hô và những con hẻm nhỏ (sikkas) đã tạo nên một hệ thống làm mát tự nhiên hiệu quả.

Ông Ahmed Al-Jafflah, đại diện Trung tâm Văn hóa Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, nhấn mạnh vẻ đẹp của kiến trúc Al Fahidi nằm ở khả năng sử dụng các kỹ thuật làm mát thụ động để duy trì nhiệt độ dễ chịu. Tổ tiên của họ đã tối ưu hóa luồng gió, tăng cường bóng râm và giảm thiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tháp đón gió (barjeel) là một trong những sáng tạo nổi bật. Được đặt trên nóc nhà, barjeel hút gió từ trên cao và dẫn vào bên trong, tạo ra luồng không khí mát tự nhiên. Không khí nóng sẽ thoát ra ngoài, giúp giảm nhiệt độ trong nhà tới gần 10 độ C. Bà Vrushali Mhatre, giảng viên kiến trúc nội thất tại Đại học Heriot-Watt Dubai, nhận định barjeel là giải pháp làm mát hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi trong các công trình hiện đại.

Sân trong khép kín cũng đóng vai trò quan trọng như một bộ điều hòa nhiệt độ. Ban đêm, không khí mát chìm xuống sân và lan tỏa vào các phòng xung quanh. Tường cao, mái rộng và cây xanh giúp ngăn bụi cát và giảm thiểu ánh nắng trực tiếp. Một nghiên cứu tại Tây Ban Nha cho thấy kiến trúc này có thể giảm tới 18% nhu cầu làm mát cho ngôi nhà.

Cửa sổ lưới (mashrabiya) cũng là một yếu tố quan trọng. Nghiên cứu năm 2024 cho thấy loại cửa sổ này có thể giúp giảm nhiệt độ trong nhà ít nhất 3 độ C nhờ khả năng kiểm soát ánh sáng mặt trời.

Trong quá khứ, người Emirati sử dụng san hô sáng màu để phản xạ ánh sáng và giảm hấp thụ nhiệt. Dù việc khai thác san hô đã bị cấm, việc sử dụng màu sáng cho bề mặt công trình vẫn là một giải pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, các tòa nhà ở Al Fahidi còn được phủ lớp cách nhiệt và trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là cây cọ, để tạo bóng râm.

Một yếu tố khác góp phần tạo nên sự mát mẻ cho khu phố là hệ thống sikkas, những con hẻm nhỏ hẹp (2-3m) giữa các tòa nhà. Chúng tạo điều kiện cho không khí lưu thông, mang đến những làn gió dễ chịu từ vịnh Dubai.

Ngày nay, nhiều công trình hiện đại tại UAE đã áp dụng các thiết kế kiến trúc truyền thống lấy cảm hứng từ Al Fahidi. Khu phức hợp Madinat Jumeirah có nhiều tháp gió và mê cung đường hẹp để cải thiện lưu thông gió. Các công trình đương đại khác như Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed và Trung tâm mua sắm Midrif cũng sử dụng bố cục sân trong. Khu phố cổ Al Fahidi không chỉ là một di sản lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho những giải pháp kiến trúc bền vững, giúp Dubai thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới một tương lai xanh hơn.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *