Tôi không dám đọc hết những bài viết về nỗi đau của những gia đình có người thân qua đời, bởi tôi thấu hiểu sâu sắc những cung bậc cảm xúc ấy. Hơn nửa thế kỷ trước, em trai tôi cũng ra đi vì tai nạn đuối nước trên dòng sông Hồng.
Ngày ấy, chúng tôi còn là những đứa trẻ đang tuổi lớn, tinh nghịch và thường trốn cha mẹ ra bãi sông Hồng để vui chơi, tắm mát. Mỗi lần về nhà, chúng tôi đều cố gắng làm khô tóc để tránh bị phát hiện và bị phạt. Người lớn luôn lo lắng, nhưng trẻ con thì chưa ý thức được hết những nguy hiểm.
Vào cái ngày định mệnh ấy, tôi phải theo bố đi công việc, em tôi ở nhà không có bạn chơi cùng nên đã rủ một cậu bạn cùng lớp ra sông Hồng. Hai đứa trẻ vừa học xong lớp ba, đang trong kỳ nghỉ hè.
Em tôi không may rơi vào vùng nước xoáy sâu và chới với. Cậu bạn trên bờ không biết cách cứu giúp, chỉ còn cách cầm đôi dép của em chạy về nhà gọi người lớn.
Tôi không dám nhớ thêm về ký ức đau buồn đó nữa. Trong tang lễ của em, mẹ tôi vừa khóc vừa trách: “Con lớn rồi mà không trông em cho bố mẹ.” Lời trách cứ ấy đã khắc sâu vào tim tôi suốt cả cuộc đời.
Sau khi em mất, toàn bộ quần áo, sách vở của em đều được bố mẹ cất vào một chiếc hòm sắt khóa lại. Nhưng bao nhiêu năm trôi qua, mỗi khi mở tủ ra, mẹ tôi lại khóc không ngừng. Cuối cùng, bố tôi phải đem đốt hết những đồ vật đó để mẹ không còn phải nhìn thấy chúng nữa. Riêng tôi, tôi vẫn giữ lại toàn bộ sách học hè năm đó của em và đặt lên bàn thờ.
Giờ đây, tôi đã là một ông già ngoài 60, mẹ tôi cũng đã qua đời vài năm, còn em tôi thì vẫn mãi mãi ở tuổi 11. Nỗi đau này sẽ theo tôi đến tận cuối cuộc đời.
Ở đất nước ta, trẻ em luôn được yêu thương và chăm sóc. Tuy nhiên, tai nạn bất ngờ vẫn có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Mùa hè đến, chúng ta lại nghe những tin tức đau lòng về trẻ em bị đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng… Những con số thống kê khiến lòng người nhói đau, bởi đằng sau mỗi con số là những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai, là những giọt nước mắt không bao giờ khô của những người cha, người mẹ mất con.
Sau sự ra đi của em, bố mẹ tôi dù đã lớn tuổi vẫn cố gắng sinh thêm con, hy vọng em sẽ đầu thai trở lại. Nhưng sau đó, cả gia đình đều hiểu rằng, dù có thêm một thành viên mới, đứa trẻ đã mất sẽ không bao giờ quay trở lại.
Đúng vậy, mỗi cuộc đời đều vô giá và không thể thay thế. Mỗi người cần ghi nhớ rằng cuộc sống chỉ có một lần, không có sự tái sinh, vì vậy phải luôn cẩn thận và giữ gìn. Luôn tuân thủ các quy tắc an toàn, nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần cũng không thừa, bởi tai nạn luôn xảy ra bất ngờ.
Đã có rất nhiều lời nhắc nhở về lối thoát hiểm, nhưng vẫn còn nhiều ngôi nhà bị bịt kín bằng “chuồng cọp”, dẫn đến những cái chết thương tâm khi hỏa hoạn xảy ra. Đã có nhiều cảnh báo về việc không lái xe sau khi uống rượu bia, nhưng vẫn có những trường hợp vi phạm dẫn đến tai nạn chết người. Khi đi trên sông nước, áo phao là vật cứu sinh quan trọng, nhưng nhiều người lại cho rằng nó vướng víu. Rồi còn những vi phạm luật giao thông… Còn rất nhiều những lơ là, bất cẩn mà khi hối hận thì đã quá muộn.
Quan trọng hơn nữa là việc giáo dục kỹ năng sinh tồn. Ngay từ nhỏ, mỗi đứa trẻ cần được trang bị những kiến thức cơ bản để tự cứu mình. Dạy trẻ biết bơi, biết tìm đường thoát hiểm khi gặp nguy cấp, biết kêu gọi sự giúp đỡ của người khác. Những điều thiết thực này cần được dạy từ khi còn nhỏ và liên tục nhắc đi nhắc lại qua mỗi năm.

Đặc biệt, cần giáo dục cho trẻ biết sợ. Sợ nước, sợ lửa, sợ độ cao là những nỗi sợ bản năng, cổ xưa. Chính nỗi sợ bản năng này giúp bảo vệ sự an toàn của sinh vật, và con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trẻ cũng cần biết sợ những lời nhắc nhở của người lớn, sợ các quy định, và khi lớn hơn là biết sợ pháp luật.
Những đứa trẻ biết sợ sẽ lớn lên trở thành những người lớn biết sợ. Con người cần biết sợ những gì nguy hiểm cho bản thân và cho người khác. Có biết sợ thì mới biết yêu, yêu cuộc sống, yêu hòa bình. Biết sợ, con người sẽ đồng thời biết cách tạo ra những rào chắn an toàn nhất cho mình và cho những người thân yêu.
Những năm tháng sau này, mỗi khi nghĩ về sự ra đi của em và nỗi đau của cha mẹ, tôi hiểu rằng, lời trách móc của mẹ ngày đó không thể mang em tôi trở lại, nhưng có thể giúp mẹ giải tỏa phần nào nỗi đau.
Cuộc điều tra về tai nạn tàu Vịnh Xanh trong những ngày tới cũng sẽ giúp phát hiện ra những sơ suất, khuyết điểm và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Nhưng không gì có thể bù đắp được sinh mạng của hơn 30 con người. Nỗi đau và cảm giác day dứt, hối hận sẽ còn mãi trong lòng những người ở lại.
Sự mất mát này một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống là vô giá và không điều gì là thừa nếu nó nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác.
Admin
Nguồn: VnExpress