Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vào lúc 15h hôm nay, bão Wipha đang cách Quảng Ninh khoảng 110 km, Hải Phòng 230 km, Hưng Yên 250 km và Ninh Bình 275 km. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 9-10, khoảng 102 km/h, với gió giật lên tới cấp 12. Dự kiến, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa vào khoảng 13h ngày 22/7, với cường độ mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Để giúp người dân nhận thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bão, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã đưa ra các cảnh báo chi tiết tương ứng với từng cấp độ gió bão.

Cụ thể, khi gió bão đạt cấp 8, với sức gió từ 62-74 km/h và giật trên cấp 10, có thể làm gãy cành cây và bật gốc một số cây lớn. Người đi bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, và cơ sở hạ tầng sẽ chịu tác động đáng kể.
Ở cấp 9, gió mạnh từ 75-88 km/h và giật trên cấp 11, bão có thể quật đổ cây lớn, gây hư hại cho các công trình yếu như tốc mái nhà không kiên cố. Giao thông đường bộ sẽ bị cản trở nghiêm trọng, các biển báo và công trình ngoài trời dễ bị hư hỏng hoặc đổ sập. Biển động rất mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.

Khi đạt cấp 10, gió bão với vận tốc 89-102 km/h và giật trên cấp 12 có khả năng phá hủy cây lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình xây dựng yếu, không kiên cố. Tàu thuyền trên biển sẽ gặp nguy hiểm lớn, và các bến tàu, âu tàu cũng có thể bị thiệt hại.
Ở cấp 11, gió bão đạt 103-117 km/h và giật trên cấp 13, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các công trình không kiên cố, đe dọa tàu thuyền và cư dân ven biển. Mái nhà và cửa sổ có thể bị phá hủy nghiêm trọng.
Cấp độ nguy hiểm nhất là cấp 12, khi gió bão đạt 118-133 km/h và giật trên cấp 14, sức tàn phá cực kỳ lớn. Gió có thể thổi bay cây cối, phá hủy hoàn toàn các công trình xây dựng không kiên cố, và gây hư hại nặng nề ngay cả với các tòa nhà lớn. Các tàu nhỏ nếu không được neo đậu cẩn thận có thể bị đánh vỡ hoặc chìm tại cảng.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết để chủ động phòng tránh.

Nếu có kế hoạch du lịch trong mùa mưa bão, cần cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên và sẵn sàng hoãn hoặc hủy chuyến đi khi thời tiết xấu. Tránh di chuyển đến các khu vực ven biển, đảo, vùng núi hoặc những nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét. Tuyệt đối không ra ngoài khi bão đang đổ bộ, trừ trường hợp khẩn cấp và có hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Mỗi gia đình nên xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất và chủ động sơ tán khi có yêu cầu của chính quyền địa phương. Cần chuẩn bị sẵn thực phẩm, nước uống, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác.
Trong và sau bão, cần đặc biệt cảnh giác với mưa lớn, lũ lụt ở vùng trũng thấp và khu đô thị, cũng như lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi. Đề phòng nước dâng ở vùng ven biển và cửa sông.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng khuyến nghị người dân kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện đến nơi cao ráo, khơi thông cống rãnh quanh nhà để tạo đường thoát nước, báo cáo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện sự cố tắc nghẽn cống thoát nước hoặc các điểm ngập sâu. Không đỗ xe ở những khu vực có nguy cơ ngập úng và đề phòng ngập tầng hầm chung cư.
Ngoài ra, cần lưu lại các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để liên hệ khi cần thiết.
Để hạn chế thiệt hại do gió bão gây ra, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng hướng dẫn người dân cách chằng chống nhà cửa. Cần cài chặt các then, chốt cửa và neo chặt cửa bằng đòn tre, gỗ vào tường nhà để tránh gió giật làm bung cửa. Dán băng dính bản rộng lên cửa kính để giảm thiểu nguy cơ vỡ kính, bịt kín các ô cửa bằng tấm gỗ dán và trám các khe hở giữa tường và mái nhà để ngăn gió lùa.
Để gia cố mái ngói, người dân nên chêm vữa, xi măng, cát theo tỷ lệ 1:3 vào các viên ngói ở khoảng 3-4 hàng xung quanh mái, xây bờ nóc và bờ chảy mái bằng vữa xi măng cát tỷ lệ 1:3. Xây con chạch mái bằng một hàng gạch đơn vữa xi măng cát tỷ lệ 1:3, cách nhau khoảng 1,5 m.
Một biện pháp khác là dùng bao cát chặn mái. Đối với nhà có độ dốc mái lớn, dùng các bao cát đóng lỏng (15-20 kg), nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp, với khoảng cách 1,5 m ở giữa mái và 1 m xung quanh mái. Với nhà có độ dốc mái nhỏ, thực hiện tương tự nhưng không cần dùng dây nối các bao cát.
Đối với nhà lợp fibro xi măng, đặt các thanh chặn ngang bằng gỗ hoặc thép lên mái, cách nhau khoảng 1 m, sau đó đặt các giằng chữ A ở đỉnh nơi tiếp giáp giữa hai mái nhà, cách nhau khoảng 2,5 m lên thanh chặn. Buộc chặt thanh chặn bằng dây thép và buộc dây chữ A vào cọc đóng sâu xuống đất từ 1-1,5 m.
Admin
Nguồn: VnExpress