**Bão Wipha áp sát bờ biển, cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất**
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vào lúc 22h, tâm bão Wipha cách Quảng Ninh khoảng 80 km, Hải Phòng 180 km, Hưng Yên 190 km và Ninh Bình 220 km. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 10, khoảng 102 km/h, giật cấp 13. Bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 10 km/h.
Do ảnh hưởng của bão, nhiều khu vực ven biển đã ghi nhận gió mạnh. Cụ thể, đặc khu Bạch Long Vĩ có gió cấp 8, giật cấp 10; Cô Tô và Cát Bà (Hải Phòng) gió cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông gió cấp 9, giật cấp 10; Quảng Hà gió cấp 8, Móng Cái cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo đến 10h ngày mai, bão sẽ ở trên vùng biển Quảng Ninh – Ninh Bình với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14. Sau đó, bão dự kiến đổ bộ vào khu vực Hải Phòng – Thanh Hóa, sức gió sẽ giảm dần. Đến 22h cùng ngày, sức gió còn cấp 8, giật cấp 10.

Các đài khí tượng quốc tế cũng đưa ra những dự báo tương tự. Đài khí tượng Nhật Bản cho rằng bão sẽ duy trì sức gió 108 km/h (cấp 11) khi ở vùng biển Quảng Ninh – Thanh Hóa, và giảm xuống 90 km/h (cấp 10) khi vào đất liền Hải Phòng – Thanh Hóa. Đài Hong Kong nhận định bão vẫn duy trì cường độ 105 km/h khi đổ bộ khu vực này.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về bão Wipha tối 21/7, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão đang có xu hướng đi lệch về phía nam và cấu trúc được tổ chức tốt hơn. Dự kiến bão sẽ tiếp tục tăng cường độ lên cuối cấp 10, đầu cấp 11 trước khi áp sát vùng biển ven bờ.
Ông Khiêm dự báo bão sẽ đổ bộ khu vực phía nam Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa trong khoảng thời gian từ 10h đến 15h ngày mai. Quảng Ninh sẽ là nơi chịu tác động đầu tiên từ sáng mai với gió cấp 9-10 ở ven biển, trong bờ cấp 7-8. Ven biển Hải Phòng, Hưng Yên gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; ven biển Ninh Bình gió cấp 8-9, giật cấp 13; ven biển Thanh Hóa (phía Bắc) gió cấp 7-8, giật cấp 8-9; Hà Nội gió cấp 5-6, giật cấp 7-8.
Mưa lớn đã xuất hiện ở nhiều nơi với lượng mưa gần 200 mm. Tuy nhiên, ông Khiêm cho biết đây chưa phải cao điểm và mưa sẽ tiếp tục tăng. Các khu vực có mưa đặc biệt lớn (200-350 mm, có nơi trên 600 mm) bao gồm Hưng Yên, Ninh Bình, nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An. Các khu vực khác của Bắc Bộ, Hà Tĩnh cũng có mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở mức rất cao tại 24 xã ở Thanh Hóa, 50 xã ở Nghệ An và ba xã ở Sơn La. Ông Khiêm đặc biệt lưu ý vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An ngay cả sau ngày 23/7, khi bão suy yếu thành vùng áp thấp ở Thượng Lào, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét vẫn rất cao do có nhiều sông chảy từ Lào sang.
Mưa lớn cũng sẽ gây ra đợt lũ trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An với biên độ 3-6 m từ đêm nay đến ngày 25/7. Các sông nhỏ, sông Thao, thượng nguồn sông Mã có thể lên báo động hai, ba. Các sông Lô, Đà, Cầu, Thương, Lục Nam, Hoàng Long và thượng nguồn sông Cả dự báo lên báo động một, hai, có nơi vượt báo động hai. Hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình dưới mức báo động một; hạ lưu sông Mã và sông Cả dao động quanh mức báo động một.
Ngoài ra, ven biển Hưng Yên – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao 0,5-1 m. Mực nước tại Ba Lạt (Hưng Yên) có thể cao 2,4-2,6 m, Hòn Dấu (Hải Phòng) 3,9-4,3 m, Cửa Ông (Quảng Ninh) 4,6-5 m và Trà Cổ (Quảng Ninh) 3,6-4 m. Nguy cơ ngập úng tại khu vực ven biển, cửa sông vào chiều 22/7 là rất cao.
Để ứng phó với bão, các địa phương ven biển từ Hải Phòng tới Nghệ An đã thực hiện lệnh cấm biển, kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tránh đi vào khu vực nguy hiểm. Các khu vực dễ ngập lụt, sạt lở và các nhà chung cư cũ đã được chính quyền sơ tán dân đến nơi an toàn.
Admin
Nguồn: VnExpress