Phú Quốc được chọn là địa điểm tổ chức Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2027, đánh dấu cột mốc quan trọng sau Đà Nẵng (2017) và Hà Nội (2006). Sự kiện này hứa hẹn sẽ thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng đô thị, thu hút đầu tư và tăng trưởng mạnh mẽ cho du lịch, bất động sản của thành phố đảo.
Để chuẩn bị cho APEC 2027, An Giang đang gấp rút triển khai 21 dự án trọng điểm, bao gồm 10 dự án đầu tư công và các dự án còn lại theo hình thức đối tác công tư (PPP). UBND An Giang đã ban hành 9/10 lệnh khẩn cấp để đẩy nhanh tiến độ, trong đó ba dự án đã có nhà đầu tư.

Một trong những dự án quan trọng hàng đầu là nâng cấp sân bay Phú Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về lượng khách trong thời gian diễn ra APEC. Chủ đầu tư báo cáo rằng dự án mở rộng đã giải phóng mặt bằng 166 ha, với tiến độ san lấp, đóng cọc nhà ga và xây dựng hạ tầng khu mặt đất đạt từ 10-60%. Dự án do Sun Group đầu tư, dự kiến hoàn thành trước quý II/2027, nâng công suất sân bay từ 18 lên 20 triệu lượt khách mỗi năm, phục vụ cả mục tiêu APEC và phát triển du lịch, kinh tế của Phú Quốc.

Dự án trọng điểm tiếp theo là Trung tâm hội nghị APEC và Khu đô thị hỗn hợp Bãi Đất Đỏ, đang trong giai đoạn hoàn thành san lấp, xây kè và đóng cọc thí nghiệm. Khu tổ hợp đa chức năng này được thiết kế với trung tâm hội nghị và triển lãm quy mô 10.000 m2, sức chứa lên đến 15.000 người. Ngoài ra, tổ hợp còn có trung tâm báo chí quốc tế có khả năng tiếp nhận 4.000 phóng viên, đáp ứng các sự kiện cấp nhà nước và tạo nền tảng cho Phú Quốc phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm) trong dài hạn.
Dự án thứ ba đang được triển khai là Khu đô thị hỗn hợp du lịch sinh thái núi Ông Quán, hiện đang chuẩn bị họp dân để tuyên truyền về dự án và tiến hành đo đạc.

Để đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, Trung ương đã đầu tư 70% vốn cho nhiều công trình dân sinh quan trọng. Trong đó, hai hồ chứa nước ngọt Cửa Cạn và Dương Đông 2 (mỗi hồ 7,5 triệu m3) sẽ đảm bảo cung cấp ổn định 86.000 m3 nước mỗi ngày. Tuyến đường tỉnh ĐT 975 dài 20 km, hệ thống tàu điện đô thị và mạng lưới xử lý rác, nước thải cũng được quy hoạch tại Bãi Bổn, An Thới, Dương Đông theo định hướng “đô thị đảo xanh – sạch – hiện đại”.
Về nguồn vốn địa phương, UBND tỉnh đã trình HĐND bố trí 1.400 tỷ đồng cho năm 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài chính bố trí hơn 9.100 tỷ đồng từ nay đến năm 2027.
Vấn đề vật liệu xây dựng cũng được quan tâm đặc biệt, với nhu cầu lên đến 16,3 triệu m3 cát và đất; 4,8 triệu m3 đá. An Giang đã điều chỉnh quy hoạch, bổ sung hai mỏ cát biển và một số mỏ đất, đá trên đảo. Lãnh đạo Sở Tài chính An Giang cho biết các sở, ngành liên quan đang theo dõi sát sao tiến độ từng ngày để đảm bảo thời gian thực hiện.
Trong cuộc họp gần đây, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND An Giang, đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương, tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành công việc sớm nhất có thể. Ông cũng đề nghị các nhà đầu tư, sở, ngành chuyên môn bám sát mốc thời gian thi công nhưng vẫn phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục. “Sớm triển khai khu tái định cư, có chính sách cho người dân tạm cư thuê nhà, quá trình thực hiện không được để người dân bị thiệt thòi”, ông Mừng nhấn mạnh.
APEC lần thứ 30 với chủ đề “Kết nối, xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường” là cơ hội để Phú Quốc khẳng định vị thế, trở thành trung tâm hợp tác kinh tế, xã hội và giao thương toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Phú Quốc đã đón gần 4,5 triệu lượt khách, trong đó gần 900.000 lượt khách quốc tế, với doanh thu ước đạt hơn 21.500 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Admin
Nguồn: VnExpress