Jeju Air gặp nạn: Phi công tắt nhầm động cơ?

Ủy ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB) mới đây đã công bố những thông tin ban đầu về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Jeju Air tại sân bay Muan hồi tháng 12/2024, trong cuộc gặp với gia đình các nạn nhân. Vụ việc đau lòng này đã cướp đi sinh mạng của 179 người, trở thành thảm kịch hàng không tồi tệ nhất trên đất Hàn Quốc.

Khoảnh khắc máy bay Hàn Quốc lao khỏi đường băng, bốc cháy
Video: Máy bay Jeju Air đâm tường, bốc cháy tại sân bay Muan. Ảnh: Internet

Theo ARAIB, sai sót của phi công có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Cụ thể, sau khi động cơ bên phải bị hư hại do va chạm với chim, phi công đã vô tình tắt nhầm động cơ bên trái, vốn vẫn hoạt động bình thường.

Dữ liệu từ hộp đen cho thấy lệnh “tắt động cơ số hai” (tức động cơ bên phải) đã được đưa ra, nhưng thực tế động cơ số một (bên trái) lại bị tắt. ARAIB nhận định rằng sự nhầm lẫn này có thể xảy ra trong tình huống khẩn cấp, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air tại sân bay Muan, Hàn Quốc, hồi tháng 12/2024. Ảnh: AP
Tai nạn máy bay Jeju Air tại sân bay Muan, Hàn Quốc (Ảnh AP). Ảnh: Internet

Việc phân tích chi tiết cả hai động cơ tại Pháp cũng củng cố thêm kết luận này. Kết quả cho thấy động cơ bên trái hoàn toàn không có dấu hiệu bất thường và hệ thống kiểm soát điện tử vẫn hoạt động tốt, cho thấy việc tắt động cơ là do thao tác của con người, chứ không phải lỗi kỹ thuật.

Nghiêm trọng hơn, phi công còn kích hoạt hệ thống dập lửa ở động cơ bên trái, khiến nó không thể khởi động lại trong suốt chuyến bay. Điều này dẫn đến việc máy bay mất hoàn toàn lực đẩy và điện năng từ cả hai động cơ khi cố gắng hạ cánh.

Bên cạnh đó, ARAIB cũng phát hiện cơ chế hạ càng đáp đã không được kích hoạt, cho thấy phi công đã không tính đến việc thả càng đáp trong tình huống hạ cánh khẩn cấp. Hiện tại, ARAIB đang tiếp tục điều tra về quy trình huấn luyện và khả năng ứng phó tình huống khẩn cấp của tổ bay.

Mặc dù ban đầu dự kiến công bố kết quả điều tra sơ bộ với báo chí, ARAIB đã hủy bỏ kế hoạch này do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình các nạn nhân. Một số người thân cho rằng ARAIB đang bỏ qua các yếu tố khác như kết cấu hạ tầng (bức tường bê tông cuối đường băng) và các khả năng về lỗi kỹ thuật, và chỉ tập trung đổ lỗi cho phi công.

Sự cố của Jeju Air gợi nhớ đến vụ tai nạn của TransAsia Airways năm 2015 tại Đài Loan, khi phi công tắt nhầm động cơ ngay sau khi cất cánh, khiến 43 người thiệt mạng.

Trước đó, vào ngày 29/12/2024, chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air chở 181 người đã gặp sự cố va chạm với chim ở động cơ bên phải khi đang tiếp cận sân bay Muan. Sau khi hủy hạ cánh và cố gắng tăng độ cao bất thành, máy bay đã lượn vòng ở độ cao thấp và hạ cánh bằng bụng xuống đường băng, trước khi đâm vào tường bê tông và bốc cháy dữ dội.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *