‘Không tìm nổi món quà lưu niệm biển khi đi du lịch Sầm Sơn’

Trong kỳ nghỉ hè vừa qua tại biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của bãi biển nổi tiếng này so với những ký ức cách đây cả chục năm. Biển vẫn xanh, sóng vẫn lớn, gió vẫn lồng lộng, nhưng Sầm Sơn đã khoác lên mình một diện mạo mới.

Những con đường ven biển được mở rộng, quảng trường biển khang trang hơn, cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt tổ hợp nghỉ dưỡng, khách sạn và nhà hàng. Sầm Sơn trở nên sôi động, hiện đại và thu hút đông đảo du khách hơn bao giờ hết. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, nơi đây đón hàng chục nghìn lượt khách từ khắp mọi miền đất nước. Bãi biển luôn tấp nập người từ sáng đến tối, chợ đêm nhộn nhịp và đường phố chật kín xe du lịch, xe điện, xích lô.

Giữa sự náo nhiệt và sầm uất ấy, tôi chợt nhận ra một điều đáng buồn: sự vắng bóng của những món quà lưu niệm từ vỏ ốc, vỏ sò – những biểu tượng quen thuộc của biển cả và tuổi thơ.

Tôi đã tìm kiếm dọc theo con đường ven biển, chợ đêm, khu phố trung tâm và các gian hàng quanh quảng trường biển. Thế nhưng, những chiếc vòng tay, vòng cổ, con thuyền buồm nhỏ hay móc khóa hình rùa xinh xắn làm từ vỏ sò, vỏ ốc, vỏ ngao – những món quà giản dị từng làm say mê biết bao đứa trẻ, dường như đã biến mất.

Thay vào đó là vô số các mặt hàng khác như trà thảo mộc, quần áo may sẵn, kính râm, mũ cói, thú nhồi bông xuất xứ từ Trung Quốc, đồ chơi điện tử nhấp nháy, đồ điện tử và máy mát-xa giá rẻ. Bên cạnh đó, không thể thiếu “rừng” đồ ăn vặt như nem chua, mực một nắng, cá rim, bánh nhãn, bánh gai, chè sầu riêng, kem cuộn, xiên xúc xích, trà chanh, trà tắc, nước ép… Mùi khói nướng, nước mắm và mực khô hòa quyện vào nhau trong không khí náo nhiệt, lấn át cả hương vị mặn mòi của biển cả.

Những gian hàng mang đậm chất biển, nơi từng bày bán chuông gió vỏ sò, tượng ông địa, vòng cổ đá cuội và mô hình thuyền buồm tí hon, giờ đây gần như không còn. Điều này khiến tôi tự hỏi: từ bao giờ những món quà mang theo ký ức, văn hóa và hồn vía của vùng biển lại dần biến mất? Liệu có phải do nhu cầu của du khách đã thay đổi, do nghề thủ công truyền thống đang mai một, hay do chính những người làm du lịch đã không còn quan tâm đến những giá trị này?

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Sầm Sơn mà còn xuất hiện ở nhiều chợ đêm du lịch khác như Cửa Lò, Đồ Sơn, Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… Các khu chợ đêm ngày càng trở nên giống nhau, từ cách bày trí cho đến các mặt hàng được bày bán. Du khách đi từ Bắc vào Nam có thể dễ dàng mua được những món đồ tương tự như dép nhựa, thú bông, kính râm, trà sữa, xúc xích, xiên que…

Trong khi đó, những sản phẩm thủ công nhỏ bé, mộc mạc lại ngày càng trở nên hiếm hoi và dần biến mất. Từ chiếc thuyền buồm làm từ vỏ ốc, bức tranh vẽ tay, móc khóa khắc tên địa phương, quạt nan vẽ cảnh biển, đồ gốm thô cho đến những món đồ tái chế từ rác biển… Tất cả những thứ tuy nhỏ bé nhưng lại mang theo hơi thở và linh hồn của mỗi vùng đất.

Phải chăng, du lịch ngày nay chỉ tập trung vào việc “ăn gì, chơi gì, check-in ở đâu”? Để rồi khi rời đi, du khách chỉ mang theo những bức ảnh đã qua chỉnh sửa trên mạng xã hội mà thiếu đi những kỷ niệm cụ thể, những dấu ấn đặc trưng của vùng đất đó?

Tôi không hề phản đối việc thưởng thức đồ ăn vặt, bởi đó là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, nếu du lịch chỉ gói gọn trong việc ăn uống và mua sắm những món đồ đại trà, thì sẽ khó tránh khỏi sự nhàm chán. Khi bản sắc địa phương không còn được thể hiện trong từng gian hàng, mỗi bãi biển sẽ chỉ là một bản sao của nhau, thiếu đi điểm nhấn riêng biệt và không để lại dấu ấn trong lòng du khách.

Du lịch không chỉ là đến một nơi rồi rời đi, mà còn là sự cảm nhận, lưu giữ và mang theo những điều đặc trưng của vùng đất đó. Một chiếc chuông gió làm từ vỏ sò tuy đơn giản nhưng đủ để gợi nhớ về những buổi chiều lộng gió bên bờ biển xanh. Một chiếc vòng tay đá cuội hay chiếc nhẫn vỏ trai khắc tên mình, dù chỉ có giá vài chục ngàn đồng, nhưng mỗi khi nhìn thấy lại gợi nhớ về một miền cát trắng nắng vàng.

Tôi cho rằng, các điểm du lịch, đặc biệt là chính quyền địa phương, cần xem xét lại vấn đề này. Liệu có nên khuyến khích người dân gìn giữ những nghề thủ công truyền thống? Có nên quy hoạch những khu vực riêng biệt để trưng bày và bán các sản phẩm thủ công, đồng thời hỗ trợ về không gian, truyền thông và quảng bá? Có nên đào tạo thế hệ trẻ làm du lịch văn hóa thay vì chỉ tập trung vào kinh doanh đồ ăn nhanh?

Những câu hỏi này xin được gửi đến những người làm du lịch bền vững và chính quyền địa phương. Nếu không, e rằng trong tương lai không xa, du khách sẽ vẫn ra về với chiếc bụng no và tay xách đầy đặc sản, nhưng trong lòng lại trống rỗng. Bởi lẽ, họ sẽ không còn tìm thấy những món quà mang theo ký ức, để nhớ, để giữ và để yêu thêm một miền đất mà mình đã từng đặt chân đến.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *