Kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới và đẩy mạnh chiến dịch truy quét, trục xuất người nhập cư trái phép, cuộc sống của nhiều người dân Los Angeles đã bị xáo trộn, thậm chí ngay cả những hoạt động thường nhật như mua bánh mì cũng trở thành nỗi lo sợ.

Thị trưởng thành phố Los Angeles, bà Karen Bass, gần đây đã trải nghiệm trực tiếp tình trạng này. Trong một buổi sáng, bà ghé thăm một tiệm bánh ở khu Đông Los Angeles, nhưng cửa tiệm đóng im lìm. Những người bên trong phớt lờ tiếng gõ cửa của bà. Chỉ đến khi bà đưa huy hiệu thị trưởng trên áo khoác áp vào cửa kính, chủ tiệm mới mở cửa đón bà.
“Điều khiến tôi buồn là người dân thành phố giờ đây phải sợ hãi khi nhìn thấy một chiếc xe nào đó,” Thị trưởng Bass chia sẻ hôm 18/7 tại nhà hàng El Chapulín, khu Pico-Union, nơi tập trung đông người gốc Latin. Bà ám chỉ đến xe tuần tra của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE).
Mặc dù những căng thẳng ban đầu của chiến dịch trấn áp nhập cư đã dịu bớt, với việc một nửa số Vệ binh Quốc gia được triển khai đến Los Angeles đã bắt đầu rút quân, và một thẩm phán liên bang tạm thời cấm ICE sử dụng các “đội tuần tra lưu động” nếu không có bằng chứng hợp lý về việc người đó đang ở Mỹ bất hợp pháp, Los Angeles vẫn sống trong tình trạng cảnh giác cao độ. Nhiều người lo ngại về những chiến dịch trấn áp tiếp theo.

Theo tờ Los Angeles Times, tháng trước, ICE đã bắt giữ hơn 2.000 người tại 7 hạt ở Nam California. Chính quyền Trump khẳng định những người bị bắt đều có tiền án, nhưng tờ báo lại cho biết phần lớn họ chưa từng phạm tội. Đáng lo ngại hơn, một số người nhập cư hợp pháp, thậm chí cả công dân Mỹ, cũng trở thành mục tiêu trong chiến dịch này.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Mark González, đại diện cho khu vực Boyle Heights và các cộng đồng gốc Latin khác ở trung tâm thành phố, bày tỏ: “Mọi thứ thật khó khăn vì bạn không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Dulce María Caro, quản lý nhà hàng El Chapulín, chia sẻ về sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt của mình: “Chúng tôi không còn ra ngoài chơi với gia đình. Chỉ có đi làm, về nhà, đi làm, về nhà thôi. Như thể chúng tôi bị cô lập vậy.”
José Francisco, em trai của chủ nhà hàng, nói thêm: “Thật kỳ lạ. Chúng tôi giờ sống như tù nhân.” Caro tiếp lời: “Và cảm thấy bị xa lánh.”
Trong chuyến thăm Bell, thành phố với khoảng 90% dân số là người gốc Latin ở phía đông nam hạt Los Angeles, Thống đốc Gavin Newsom mô tả các con phố và cửa hàng trở nên vắng lặng “như bị ma ám”. Ông kể lại việc một chủ doanh nghiệp địa phương phàn nàn rằng lượng khách hàng sụt giảm còn tồi tệ hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19. Một phụ nữ đã nhập tịch Mỹ cho biết tiếng trực thăng trong các cuộc đột kích của ICE khiến bà khiếp sợ.
“Người dân thậm chí không dám ra đường. Chúng tôi đã ở đó, chứng kiến không chỉ các cửa hàng trống rỗng mà toàn bộ trung tâm mua sắm cũng không một bóng người,” Thống đốc Newsom nói.
Nỗi sợ hãi lan rộng đến cả những người có vị trí cao trong chính quyền bang, như cựu chủ tịch Hạ viện bang Fabian Nunez. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đều nghĩ rằng không chỉ những người làm vườn hay người dọn dẹp mới bị nhắm tới. Nhiều người gốc Latin cảm thấy không thể rời nhà nếu thiếu cuốn hộ chiếu Mỹ để chứng minh tư cách công dân của mình.”

Mặc dù 30% cử tri ở hạt Los Angeles đã bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm ngoái, người tranh cử với cam kết trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép, nhiều người trong số họ đã lên tiếng phản đối khi các cuộc truy quét nhập cư được ICE thực hiện với quy mô chưa từng có.
Sam Yebri, luật sư kiêm chủ tịch nhóm chính trị trung dung Thrive LA, cho biết: “Mọi việc đi xa hơn nhiều so với những cam kết ban đầu, như ‘Chúng ta phải loại bỏ những tên tội phạm nguy hiểm, các băng đảng ma túy và thành viên băng nhóm’. Nó đang tạo ra những tác động kinh tế khủng khiếp. Tôi biết nhiều người ủng hộ ông Trump nhưng không đồng tình với các cuộc đột kích, vì vậy tôi nghĩ nhóm ủng hộ cách làm này chắc chắn là thiểu số rất nhỏ.”
Tricia McLaughlin, phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa, phản bác thông tin cho rằng phần lớn người bị ICE nhắm đến đều không có tiền án. Bà khẳng định chiến dịch truy quét của ICE đã giúp bắt “những kẻ buôn ma túy, thành viên băng đảng MS-13, những kẻ hiếp dâm có tiền án, những kẻ giết người có tiền án, những người mà bạn sẽ không muốn làm hàng xóm.” Bà cũng chỉ trích Thị trưởng Karen Bass vì đã “bôi nhọ và công kích” cơ quan thực thi pháp luật thay vì cảm ơn họ.
Nỗi sợ hãi đang bao trùm cuộc sống của người gốc Latin và gây tác động sâu sắc tới Thị trưởng Bass, người có chồng quá cố là người Mỹ gốc Mexico và nhiều thành viên gia đình bà có gốc gác Latin.
“Đúng vậy, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tôi, bởi tôi biết tất cả người gốc Latin, bất cứ ai trông giống người gốc Latin, giờ đây đều bị nghi ngờ,” bà nói, đề cập đến bình luận của Tom Homan, cố vấn về nhập cư của Tổng thống Trump, rằng “yếu tố ngoại hình” là đủ để nhà chức trách liên bang bắt giam một người.
Thẩm phán liên bang, người đã chặn các cuộc đột kích trấn áp nhập cư ở Los Angeles, cho biết các quan chức chính quyền đã dựa vào những yếu tố không phù hợp như chủng tộc, nghề nghiệp hay giọng địa phương trong các chiến dịch truy quét.
McLaughlin khẳng định việc nói rằng cơ quan hành pháp nhắm vào ai đó dựa trên màu da là “lời bôi nhọ đáng khinh” và nhấn mạnh rằng “tình trạng pháp lý và tiền sử phạm tội” là tất cả những gì họ tập trung vào.
Tuy nhiên, những lời trấn an này không thể xóa bỏ bầu không khí lo âu đang bao trùm nhiều nơi ở Los Angeles. Hạ nghị sĩ González nhận xét: “Người dân không cảm thấy an toàn. Cuộc sống thường nhật bị gián đoạn hoàn toàn do những cuộc đột kích.”
Thượng nghị sĩ Sasha Renée Pérez, dù sinh ra và mang quốc tịch Mỹ, vẫn luôn mang theo hộ chiếu bên mình theo yêu cầu của cha mẹ. Tony Marquez, 72 tuổi, công nhân đã nghỉ hưu sinh ra ở San Diego, gần đây cũng mang theo bằng lái xe bên cạnh điện thoại khi đi dạo quanh khu phố để chứng minh nhân thân. “Để đề phòng,” ông nói. “Tôi là một ông già tẻ nhạt, thích đi bộ, sống ở Boyle Heights. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy không an toàn.”
Hector Mata, 22 tuổi, có quốc tịch Mỹ, tránh đi xe buýt vì lo ngại đặc vụ ICE có thể kiểm tra trên phương tiện giao thông công cộng. “Tôi có làn da nâu và đó là tất cả những gì họ cần,” anh nói về cách các đặc vụ ICE tiến hành kiểm tra đột xuất và bắt những người mà họ nghi là nhập cư trái phép.
Kể từ khi các cuộc đột kích trấn áp nhập cư bắt đầu, hệ thống giao thông công cộng tại hạt Los Angeles đã chứng kiến lượng hành khách đi xe buýt và tàu điện giảm từ 10 đến 15%. Người gốc Latin chiếm phần lớn số hành khách của mạng lưới này.
Todd Lyons, quyền giám đốc ICE, đổ lỗi cho các chính trị gia đã kích động nỗi sợ hãi trong cộng đồng về việc chính quyền thực thi luật nhập cư. Ông cho rằng các đặc vụ ICE đã thực hiện nhiệm vụ của mình từ trước tháng 6 nhưng giờ đây lại bị xuyên tạc rằng họ chính là nguyên nhân gây ra hỗn loạn. “Điều đó hoàn toàn sai sự thật. Chính các quan chức dân cử ngoài kia đang lan truyền luận điệu này và họ mới là những người gây ra nỗi sợ hãi,” ông quả quyết.
Tại khu chợ Mexico trên phố Olvera, một địa danh lịch sử và du lịch nổi tiếng ở trung tâm Los Angeles, không khí trở nên vắng vẻ. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa và chỉ có rất ít người qua lại.
Đối với những người làm vườn, bảo mẫu, người giúp việc và lao động thời vụ không có giấy tờ hợp pháp, nỗi sợ các cuộc đột kích khiến họ cảnh giác trong mọi hành động. Một số người đã ngừng đi làm, trong khi những người khác chỉ di chuyển giữa nhà mình và nhà chủ.
Một phụ nữ không có giấy tờ hợp pháp đã ở Mỹ hơn 20 năm và làm nghề bảo mẫu cho biết nỗi sợ bị các đặc vụ ICE kiểm tra đột xuất khiến cô quyết định không dự lễ tốt nghiệp của con gái. Cô đã dằn vặt suốt nhiều ngày về việc có nên tham dự buổi lễ hay không, nhưng cuối cùng đành phải nói với con gái rằng “mẹ muốn vẫn có mặt ở nhà khi con trở về.”
Tito Rodriguez, giám đốc điều hành quỹ Local Hearts, đã chuyển hướng sang giúp phân phát thực phẩm cho các gia đình không có giấy tờ hợp pháp, những người quá sợ hãi không dám rời khỏi nhà để đi mua sắm. Ông cho biết đã nhận được tin nhắn từ các gia đình khắp Nam California, từ Long Beach đến Thung lũng San Fernando. “Có quá nhiều tin nhắn, tôi không thể xử lý được hết. Họ sợ hãi. Họ không dám ra ngoài,” ông nói.
Christian Medina, 27 tuổi, tài xế giao hàng tạp hóa sống ở Whittier, cho hay ngay cả khi có quốc tịch Mỹ, anh cũng vẫn hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. “Nhiều người sợ bị ICE bắt, chỉ đơn giản vì bước ra khỏi nhà,” anh nói. Nỗi sợ hãi đã lan rộng, bao trùm lên cuộc sống của nhiều người dân Los Angeles, bất kể tình trạng pháp lý của họ là gì.
Admin
Nguồn: VnExpress