Mì Quảng, món ăn trứ danh của vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng, không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng văn hóa, kết tinh những giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ.

Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng, mì Quảng có lẽ đã ra đời từ thế kỷ 16, là sự kết hợp độc đáo giữa ẩm thực Việt và văn hóa Chăm. Trải qua thời gian, món ăn này dần thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng đất, nơi đất đai cằn cỗi và thường xuyên hứng chịu bão lũ.

Một giả thuyết khác cho rằng, sự hình thành của mì Quảng gắn liền với sự phát triển của Đà Nẵng – Hội An, trung tâm giao thương sầm uất từ thế kỷ 16 đến 18. Nơi đây, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, bao gồm Trung Hoa và Nhật Bản, có thể đã đưa khái niệm “mì” (làm từ lúa mì) du nhập vào Việt Nam. Từ đó, người dân địa phương đã sáng tạo ra sợi mì làm từ gạo, một nguyên liệu phổ biến của người Việt, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.
Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Quốc Nghị chia sẻ, điểm độc đáo của mì Quảng nằm ở sợi mì được làm thủ công từ gạo xay nhuyễn, tráng mỏng rồi thái sợi. Trước đây, người dân thường dùng gạo “xuyệt” xay bằng cối đá để có bột mịn, tạo ra sợi mì mềm mại nhưng vẫn giữ được độ dai. Sợi mì có màu trắng tự nhiên hoặc vàng nhạt (nhờ nghệ hoặc hạt dành dành), dẹt và dày hơn các loại mì khác. Để tránh sợi mì dính vào nhau sau khi chần, người ta thường thoa thêm dầu phụng, vừa tăng độ bóng vừa tạo hương vị béo ngậy đặc trưng.
Điểm khác biệt giữa mì Quảng và các món bún, phở khác là lượng nước dùng rất ít. Nước dùng thường được hầm từ các loại thịt đã xào sơ với gia vị, tạo nên hương vị đậm đà và ngọt ngào. Khi bày ra, người nấu chỉ chan một lượng nước xăm xắp, vừa đủ thấm vào sợi mì.
Nhân mì Quảng rất đa dạng, tùy thuộc vào sở thích và nguyên liệu sẵn có của từng gia đình và vùng miền. Mì Quảng truyền thống thường có thịt gà hoặc tôm thịt. Tuy nhiên, theo đầu bếp Long Phạm, Á quân cuộc thi “Vua mì Quảng 2025”, món ăn này không có công thức cố định. Ngày nay, mì Quảng có nhiều biến tấu với các loại nhân như cá, lươn, ếch, sứa, hoặc kết hợp nhiều nguyên liệu theo mùa.
Một tô mì Quảng ngon phải hấp dẫn cả về thị giác lẫn vị giác. Sợi mì trắng ngà kết hợp với tôm đất đỏ au, thịt heo thấm đượm gia vị và trứng cút trắng tinh. Món ăn dậy mùi thơm của củ nén phi trong dầu phụng. Thưởng thức mì Quảng đúng điệu không thể thiếu rau sống Trà Quế xanh mướt, bắp chuối thái mỏng, lạc rang giòn, bánh tráng nướng bẻ vụn và ớt sừng đỏ cay nồng – tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị hài hòa, đậm đà mà không ngán.
Nhiều làng nghề ở Quảng Nam vẫn duy trì nghề làm mì truyền thống, như làng Phú Chiêm (Điện Bàn) nổi tiếng với mì gà, hay Trung Phú (Gò Nổi) chuyên làm sợi mì thủ công từ gạo quê. Tại Đại Lộc và Thăng Bình, nhiều gia đình vẫn lưu giữ bí quyết nấu mì qua nhiều thế hệ.
Mì Quảng không chỉ là món ăn hàng ngày mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa của người dân xứ Quảng. Vào các dịp lễ Tết, giỗ chạp, hầu như gia đình nào cũng nấu mì để đãi khách, thể hiện sự hiếu khách và thân tình. Món ăn này đã trở thành biểu tượng ẩm thực nổi tiếng trong và ngoài nước, là kết tinh của tri thức dân gian được trân trọng và lưu giữ qua nhiều thế hệ, thể hiện tình yêu và niềm tự hào về bản sắc quê hương của người Quảng.
Admin
Nguồn: VnExpress