Trong nhiều thập kỷ, Kenya tự hào là quốc gia thống trị các nội dung chạy trung bình và dài trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng loạt vụ bê bối doping đã làm suy giảm nghiêm trọng danh tiếng của quốc gia này. Áp lực kinh tế và xã hội đang đẩy nhiều vận động viên, kể cả nghiệp dư, tìm đến chất cấm như một con đường đổi đời.
Theo thống kê, từ năm 2024 đến 2025, đã có hơn 100 vận động viên Kenya bị xử phạt vì sử dụng doping. Bên cạnh đó, vào tháng 2/2025, 34 vận động viên khác đang bị Liên đoàn Điền kinh Thế giới điều tra vì nghi ngờ khai gian tuổi. Tình trạng bạo lực giới liên quan đến các vận động viên Kenya cũng gia tăng trong những năm gần đây.
Gần đây nhất là trường hợp của Ruth Chepngetich. Vào ngày 17/7, vận động viên này đã bị đình chỉ tạm thời sau khi xét nghiệm dương tính với hydrochlorothiazide (HTCZ), một loại thuốc lợi tiểu bị cấm và thường được sử dụng để che giấu các loại thuốc tăng cường hiệu suất (PED). Điều đáng chú ý là mẫu xét nghiệm của Chepngetich được lấy từ ngày 14/3, chứ không phải từ thời điểm cô lập kỷ lục 2 giờ 9 phút 57 giây tại Chicago Marathon hồi tháng 10/2024. Do đó, nhiều khả năng vận động viên người Kenya vẫn sẽ giữ kỷ lục này bất kể kết quả điều tra doping.
Việc Chepngetich có nguy cơ không thể thi đấu trong hai năm tới, chỉ sáu tháng sau khi trở thành người chạy marathon nhanh nhất thế giới, đã gây ra nhiều bất ngờ.

Theo Mundo Deportivo, các vận động viên Kenya tài năng phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn cả việc phá kỷ lục thế giới, đó là chu cấp cho gia đình. Họ tham gia vào một guồng quay khắc nghiệt của ngành kinh doanh thể thao, buộc phải chạy nhanh nhất có thể để tồn tại. Các vận động viên này phải đối mặt với các thương hiệu, người đại diện ở cách xa hàng nghìn km, và một chính phủ mà theo cáo buộc là tham nhũng, mỗi bên chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân.
Brett Clothier, Giám đốc Cơ quan Liêm chính Điền kinh (AIU), cho biết doping ở Kenya không phải do nhà nước tổ chức, mà “diễn ra một cách cơ hội, lan rộng do nghèo đói và khát vọng thoát nghèo”.

Một báo cáo chung của Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) và AIU đã chỉ ra sự tồn tại của các “cơ sở y tế bất hợp pháp”, nơi cung cấp tài liệu giả nhằm che giấu hành vi doping. Các vận động viên như Betty Lempus và Eglay Nalyanya đã sử dụng giấy tờ y tế giả mạo và bị đình chỉ thi đấu nhiều năm, phản ánh sự yếu kém trong việc kiểm soát đội ngũ y tế xung quanh các vận động viên.
Cụ thể, Betty Lempus bị phát hiện dương tính với chất triamcinolone acetonide tại giải Harmonie Mutuelle Half Marathon (Paris) vào tháng 9/2021. Kết quả là, cô bị hủy thành tích phá kỷ lục tại giải này (1 giờ 5 phút 46 giây) và bị cấm thi đấu 5 năm. Trường hợp của Eglay Nalyanya còn nghiêm trọng hơn khi cô bị xác định vi phạm ba luật chống doping và phải nhận án cấm thi đấu 8 năm.

Không chỉ vận động viên, các quan chức thể thao cũng bị cáo buộc có liên quan đến doping. Năm 2015, ba lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn Điền kinh Kenya đã bị đình chỉ vì cáo buộc biển thủ tiền tài trợ từ Nike và dính líu tới hối lộ liên quan đến doping. Vụ việc đã khiến các vận động viên biểu tình ngay trước trụ sở Liên đoàn, yêu cầu sự minh bạch và công lý.
Raphael Roux, đặc phái viên của AIU tại Nairobi, đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng có quá nhiều tiền trong môn chạy, dẫn đến việc nhiều người muốn được chia phần. Ông cho biết một vận động viên Kenya giành được 10.000 USD tại một giải marathon ở Mỹ có thể nuôi cả gia đình trong 10 năm, nhưng phần lớn số tiền đó lại rơi vào túi của người khác.
Trong bối cảnh đó, Faith Kipyegon, được mệnh danh là nữ hoàng đường chạy trung bình, đã tuyên bố sẽ cùng thế hệ mới nỗ lực làm trong sạch thể thao Kenya. Cô kêu gọi sự chung tay giữa vận động viên, huấn luyện viên và các cơ quan chức năng. HLV kỳ cựu Colm O’Connell cũng cảnh báo rằng các giá trị thể thao truyền thống đang bị thay thế bởi những kẻ lừa đảo, bạo lực và sự thực dụng trong việc đào tạo vận động viên đỉnh cao.
Để giải quyết vấn nạn doping, từ cuối năm 2022, chính phủ Kenya đã cam kết chi 5 triệu USD mỗi năm trong 5 năm để mở rộng chương trình kiểm tra doping. Số lượng vận động viên trong danh sách kiểm soát đã tăng từ chưa tới 40 người năm 2022 lên hơn 300 người hiện tại. Bộ Thể thao Kenya gọi đây là “cuộc chiến không khoan nhượng với doping”.
Tuy nhiên, theo Mundo Deportivo, tham nhũng, nghèo đói và lợi thế thể chất đã biến nhiều vận động viên thành công cụ để nuôi sống gia đình, bất chấp đạo đức hay quy định. Các thương hiệu, nhà môi giới và chính phủ trục lợi từ thành tích của vận động viên, trong khi chính những vận động viên ấy mất tiếng nói và bị lợi dụng danh nghĩa “liêm chính” trong một môn thể thao đang bị làm hoen ố. Để vực dậy nền điền kinh nước nhà, Kenya cần một cuộc cách mạng toàn diện từ gốc rễ, thay đổi tư duy và tạo ra một môi trường thể thao trong sạch, công bằng và bền vững.
Admin
Nguồn: VnExpress