Mới đây, vấn đề trách nhiệm của người nổi tiếng, đặc biệt là các vận động viên (VĐV), lại được khơi lại sau những phát ngôn liên quan đến cầu thủ trẻ Lamine Yamal. Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Tây Ban Nha, bà Ana Redondo, cho rằng Yamal “là một hình mẫu” và “phải chịu trách nhiệm” sau khi anh tổ chức tiệc sinh nhật có thuê nghệ sĩ biểu diễn là người lùn.
Phát ngôn này xuất hiện sau khi Yamal, trong buổi ra mắt áo số 10 và ký hợp đồng mới với Barcelona, bảo vệ quyền tự do cá nhân của mình. Anh khẳng định có quyền làm những gì mình muốn trong cuộc sống riêng tư. Cụ thể, anh chia sẻ với đài phát thanh Catalonia rằng: “Tôi làm việc cho Barca, tôi thi đấu cho Barca; nhưng khi rời trung tâm tập luyện, tôi tận hưởng cuộc sống riêng của mình.”
Vụ việc này làm dấy lên cuộc tranh luận muôn thuở: Liệu VĐV nổi tiếng có cần chịu trách nhiệm đạo đức trong đời sống cá nhân vì họ là hình mẫu cho giới trẻ hay không?
Giáo sư Triết học Pháp lý Jose Luis Perez Trivino từ Đại học Pompeu Fabra, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí Fair Play – Triết học, Đạo đức và Luật thể thao, đã phân tích trên tờ El Pais rằng cần phân biệt hai khía cạnh khi xem xét hình ảnh VĐV như một tấm gương: hành vi trên sân và cách ứng xử ngoài đời.
Trong thi đấu thể thao, tính gương mẫu của VĐV gần như không phải bàn cãi. Nadia Murad, nhà hoạt động người Iraq đoạt giải Nobel Hòa bình, từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giới trẻ biết đến Messi và các cầu thủ khác vì họ mang lại niềm vui. Bà hy vọng giới trẻ xem họ là tấm gương, đặc biệt trong bối cảnh dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan. Theo bà Murad, việc VĐV là hình mẫu giúp giới trẻ tránh xa các tổ chức cực đoan. Do đó, yêu cầu VĐV cư xử chuẩn mực trên sân là điều hợp lý. Tôn trọng luật lệ, tinh thần thể thao, nỗ lực và sự kiên cường là những giá trị mà VĐV truyền tải qua màn trình diễn chuyên nghiệp. Sân thi đấu là một phần công việc, và như mọi chuyên gia, VĐV được kỳ vọng thể hiện đạo đức nghề nghiệp và tôn trọng khán giả. Giáo sư Jose Luis cho rằng, hành động công khai của VĐV là một phần của màn trình diễn, được công chúng chứng kiến và định hình nhận thức xã hội về công lý, tinh thần đồng đội hay bạo lực.

Tuy nhiên, khi xét đến đời sống cá nhân, nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu xã hội có quyền yêu cầu VĐV phải gương mẫu về mặt đạo đức trong không gian riêng tư của họ? Giáo sư Jose Luis cho rằng cuộc tranh luận này phức tạp hơn và đặt ra ít nhất ba vấn đề chính.
Thứ nhất, theo quan điểm tự do, không ai bị ép buộc phải sống “đức hạnh” hơn người khác chỉ vì nổi tiếng. Đời sống cá nhân là không gian mà mỗi người có quyền hành xử theo niềm tin và mong muốn riêng, miễn là không vi phạm pháp luật. Như Yamal đã nói: “Trong đời sống cá nhân, tôi làm những gì tôi muốn”. Lập trường này gắn liền với quyền tự chủ cá nhân, vốn không bị tước bỏ khi một người trở nên nổi tiếng.
Thứ hai, liệu có công bằng khi yêu cầu một người trẻ 18 tuổi phải gương mẫu về mặt đạo đức? Ở độ tuổi này, một người khó có đủ thời gian và sự trưởng thành để nhận thức đầy đủ về vai trò hình mẫu cho cả một thế hệ. Điều này càng đúng với các VĐV, những người thường sống trong “bong bóng” do đặc thù nghề nghiệp. Việc xã hội lý tưởng hóa thần tượng có thể dẫn đến những kỳ vọng không thực tế và bất công.
Thứ ba, trong xã hội đa dạng và đa nguyên, các chuẩn mực về thẩm mỹ, xã hội và đạo đức cũng khác biệt. Điều mà một nhóm người cho là không phù hợp về mặt đạo đức có thể chỉ là hành động hợp pháp hoặc tầm thường đối với nhóm khác. Do đó, việc yêu cầu một VĐV đại diện cho một lý tưởng đạo đức cụ thể không chỉ là đòi hỏi quá mức, mà còn có nguy cơ dẫn đến những áp đặt rộng hơn, từ cách họ vui chơi, âm nhạc họ nghe, phong cách họ chọn, đến những người bạn họ kết giao. Nguy cơ của việc áp đặt trách nhiệm gương mẫu lên VĐV chính là việc bắt họ hy sinh quyền tự do cá nhân vì những chuẩn mực chưa chắc đã được đồng thuận.
Giáo sư Jose Luis kết luận rằng, việc VĐV tuân thủ nghĩa vụ pháp lý và cư xử theo chuẩn mực đạo đức nhất định là điều đáng mong đợi, bởi tầm ảnh hưởng của họ đối với giới trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, biến kỳ vọng này thành yêu cầu pháp lý hoặc đạo đức có thể đặt lên họ gánh nặng mà nhiều người chưa được chuẩn bị để gánh vác, gây ra những hệ quả không mong muốn cho sự phát triển cá nhân của họ. Thay vì đe dọa bằng biện pháp pháp lý hay yêu cầu trách nhiệm, các cơ quan thể thao Tây Ban Nha như Hội đồng Thể thao Quốc gia (CSD), Ủy ban Olympic Tây Ban Nha (COE), các liên đoàn và câu lạc bộ nên chủ động hơn trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc trở thành VĐV và tầm ảnh hưởng xã hội mà họ có thể mang lại.
Admin
Nguồn: VnExpress