Ở tuổi ngoài 40, tôi đang làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập đáng kể. Trong suốt 16 năm hôn nhân, tôi là trụ cột tài chính duy nhất của gia đình, bao gồm vợ, con trai chung, bố mẹ ruột và con gái riêng của vợ trong 8 năm gần đây.
Thu nhập hàng tháng của tôi được phân bổ cụ thể: 40% dành cho sinh hoạt gia đình, bao gồm ăn uống, nhu yếu phẩm, xe cộ, internet, điện thoại, vé máy bay về Việt Nam và giải trí. 20% được tiết kiệm riêng cho con trai vào đại học sau này. 14% dành cho quỹ hưu trí của tôi. 6% được gửi đều đặn cho bố mẹ ruột đã lớn tuổi. 20% còn lại được chuyển trực tiếp cho vợ để cô ấy nuôi con gái riêng, hỗ trợ bố mẹ ruột của cô ấy và chi tiêu cá nhân.
Ngoài khoản tiền này, vợ tôi còn chi thêm khoảng 2-5% cho quần áo, mỹ phẩm và các nhu cầu cá nhân khác. Cô ấy đã trải qua nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ với tổng chi phí hơn 250 triệu đồng, trong đó hơn 200 triệu đồng được lấy từ quỹ chung của gia đình. Cô ấy cũng nhiều lần yêu cầu tôi mua vé máy bay để đi “tu hành” theo những hướng đi lệch lạc, mặc dù trước đó đã hứa sẽ sử dụng tiền riêng được chu cấp hàng tháng cho mục đích này.
Trong suốt 16 năm chung sống, vợ tôi không đi làm mà ở nhà nội trợ, nhưng vẫn giữ tiền riêng và không tiết lộ về khoản tiền đó. Hiện tại, cô ấy muốn đứng tên chung khoản tiết kiệm mà tôi đã âm thầm tích góp, khoản tiền tôi dành dụm cho con trai và tuổi già của mình. Tôi đã đề nghị gộp khoản tiền cô ấy đang giữ và khoản tiền của tôi để cùng đứng tên chung, nhưng cô ấy từ chối. Tôi cũng đồng ý để vợ đứng tên chung tài khoản, nhưng với điều kiện mọi khoản chi lớn phải được minh bạch và có sự đồng thuận, đồng thời dừng việc chu cấp 20% lương hàng tháng cho cô ấy, nhưng vợ tôi cũng không chấp nhận. Cô ấy muốn vừa giữ khoản tiền tiết kiệm riêng, vừa nhận tiền chu cấp hàng tháng, vừa quản lý khoản tiết kiệm học hành cho con và quỹ hưu trí của tôi, với lý do sợ tôi dành tiền cho người khác.
Mặc dù bận rộn với công việc, tôi vẫn phụ giúp việc nhà đầy đủ, từ dọn dẹp, rửa chén, giặt giũ, phơi và xếp quần áo cho cả hai bố con. Trong khi đó, vợ tôi thường nấu ăn qua loa, nấu một lần ăn nhiều bữa, và phần lớn thời gian nằm dài trên ghế sofa để lướt mạng xã hội và xem video giải trí. Vào mỗi cuối tuần, cô ấy tuyên bố “nghỉ phép”, khiến tôi phải tự nấu ăn hoặc cả nhà phải ăn ngoài.
Thật lòng, tôi chỉ mong có một cuộc sống bình thường, sáng đi làm, tối về nhà có một người vợ để chia sẻ và đồng hành. Nhưng những gì tôi nhận được chỉ là khuôn mặt cau có, giận dữ, những lời nói khó nghe và sự tra tấn tinh thần. Nhiều lúc, tôi cảm thấy bế tắc đến mức không còn đủ sức để tiếp tục gắng gượng trong mối quan hệ này. Trong suốt chín năm qua, tôi đã nhiều lần bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Cô ấy cào cấu tôi khi tức giận, tay tôi vẫn còn sẹo do những lần bị cào xước. Cô ấy xưng hô “mày – tao”, chửi tục, cắt liên lạc, chặn số điện thoại, không làm việc nhà và khóa mình trong phòng, khiến tôi suy nhược thần kinh vì lo lắng và bất lực.
Sau nhiều năm cố gắng gìn giữ, tôi nhận ra mình đang dần kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu tiếp tục, tôi sẽ đánh mất chính mình trong mối quan hệ không còn lành mạnh. Giờ đây, tôi sẵn sàng làm một người cha đơn thân, nuôi con ở nơi đất khách quê người, chu toàn cho việc học hành và cuộc sống của con. Khoản tiết kiệm mà tôi đã vất vả tích lũy trong nhiều năm, tôi xin được giữ lại trọn vẹn cho con trai và cho tương lai của chính mình. Vợ tôi đã có phần tài chính riêng từ số tiền tôi chu cấp hàng tháng, tài sản riêng đứng tên cô ấy như nhà riêng có trước hôn nhân, xe ô tô tôi mua nhưng để cô ấy đứng tên, và những khoản tiền cô ấy toàn quyền sử dụng.
Với tôi, như vậy là công bằng. Tôi không còn mong một mái ấm như thuở ban đầu. Tôi chỉ hy vọng quyết định này không phải là sự cay nghiệt, mà là một bước đi tỉnh táo cho bản thân và cho con trai. Liệu mọi người có thấy tôi ích kỷ không? Hay tôi đã hy sinh quá nhiều cho một người không thật sự muốn cùng tôi vun đắp một mái ấm gia đình?
Admin
Nguồn: VnExpress