165 người sập bẫy ‘chim mồi’ mua dự án dỏm của Lộc Phúc như thế nào

Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Lộc Phúc tiếp tục diễn ra tại TAND tỉnh Đồng Nai, với 87 bị cáo hầu tòa. Nguyễn Hữu Tường (34 tuổi), người cầm đầu đường dây này, cùng đồng phạm bị cáo buộc đã lừa đảo 165 khách hàng, chiếm đoạt số tiền lên đến 255 tỷ đồng.

Ngoài ban lãnh đạo Công ty Lộc Phúc, các bị cáo còn lại bao gồm giám đốc sàn, trưởng phòng, nhân viên bán hàng, nhân viên pháp lý, kế toán và những người đóng vai “chim mồi” được thuê để tạo dựng lòng tin cho khách hàng.

Tại phiên xét hỏi, nhiều bị hại không giấu được sự bức xúc khi kể lại chi tiết quá trình bị lừa đảo tinh vi.

Một trong những chiêu thức được sử dụng là dàn dựng “chim mồi” kín sàn giao dịch. Bà Thu (tên đã thay đổi), một người kinh doanh bất động sản tại TP HCM, chia sẻ về việc bà đã đăng tin bán nhà ở Thủ Đức vào năm 2023. Sau đó, một người tự xưng là nhân viên Công ty Lộc Phúc đã liên hệ, nói rằng có khách hàng từ Hà Nội muốn mua và hẹn gặp bà tại một khách sạn ở quận 1. Tuy nhiên, khi đến nơi, bà được thông báo rằng “khách chờ lâu đã về” và mời đến trụ sở công ty vào ngày hôm sau.

Tại trụ sở công ty, bà Thu gặp một phụ nữ (sau này được xác định là “chim mồi 2”) tiếp cận và kể rằng vừa đi xem đất ở Đồng Nai, mô tả khu đất “đẹp lắm, gần sân bay Long Thành, đông khách lắm, nhiều người chốt cọc rồi”. Sau đó, một người được giới thiệu là “khách Hà Nội” (thực chất là “chim mồi 3”) xuất hiện với túi tiền khoảng 900 triệu đồng, đặt lên bàn và bày tỏ ý định muốn mua nhà của bà Thu cùng 4 lô đất liền kề của Lộc Phúc.

“Chim mồi 2” nhanh chóng thông báo cho bà Thu rằng chỉ còn 2 lô đất, và đề nghị bà mua lại để bán lại cho “khách Hà Nội” để hưởng chênh lệch. Để tạo lòng tin, “chim mồi 3” đặt cọc mua nhà của bà Thu, nhưng nhân viên Lộc Phúc giữ lại số tiền này và chuyển qua đặt cọc 2 nền đất ở Đồng Nai. Sau khi bà Thu ký hợp đồng sang tên 2 lô đất ở Đồng Nai với giá 5,7 tỷ đồng, “chim mồi 3” tìm cách trì hoãn và biến mất, không thực hiện việc mua nhà ở Thủ Đức và 2 lô đất như đã hứa.

Lúc này, bà Thu kiểm tra giấy tờ và phát hiện sổ đỏ không đúng vị trí như công ty đã giới thiệu, giá trị thực tế chỉ bằng một nửa. Sau khi công an bắt giữ các đối tượng của Lộc Phúc, bà Thu mới biết rằng toàn bộ nhân viên đều sử dụng tên và giấy tờ giả, và “khách hàng” cũng là “chim mồi”.

Luật sư bào chữa cho bị hại hỏi bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phước Tuấn
Luật sư bảo bệ quyền lợi cho bị hại hỏi bị cáo Dương Hữu Đức, Giám đốc kinh doanh Công ty Lộc Phúc, tại phiên tòa. Ảnh: Phước Tuấn. Ảnh: Internet

“Tôi làm nghề bất động sản mà vẫn bị lừa. Nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, tan cửa nát nhà. Đề nghị HĐXX xử lý nghiêm”, bà Thu trình bày trước tòa.

Cáo trạng cũng chỉ rõ vai trò quan trọng của “chim mồi” trong việc dàn dựng các vụ lừa đảo. Khi nhân viên công ty dụ được khách hàng, họ sẽ đưa khách lên xe 52 chỗ đến các khu đất không có dự án thật ở Đồng Nai. Tại đây, chỉ trong vòng 30 phút, nhân viên phối hợp với “chim mồi” để tạo hiện trường chốt cọc giả. Nếu khách hàng đồng ý mua, họ sẽ được đưa bằng xe 7 chỗ về lại công ty để tiếp tục màn kịch.

Bị cáo Dương Thúy Hằng, 1 trong 14 chim mồi tại phần xét hỏi. Ảnh: Phước Tuấn
Bị cáo Dương Thúy Hằng, một trong 14 “chim mồi” lừa khách mua dự án của Công ty Lộc Phúc. Ảnh: Phước Tuấn. Ảnh: Internet

Tại công ty, nhân viên sẽ bố trí khách hàng gặp một “chim mồi 2”, người này giả làm khách hàng muốn mua lại suất cọc, như đã được tư vấn từ trước. “Chim mồi” luôn mang theo túi tiền từ 500 triệu đến một tỷ đồng, đặt lên bàn và đưa ra điều kiện: muốn bán lại suất cọc phải có hợp đồng đặt cọc hoặc chuyển nhượng với Lộc Phúc. Sau khi khách hàng ký hợp đồng, “chim mồi” sẽ biến mất hoặc viện cớ từ chối mua lại như đã hứa ban đầu. Lúc này, khách hàng mới phát hiện ra rằng đất không đúng vị trí và giá trị chỉ bằng 1/3 giá mua. Khi khiếu nại, công ty sẽ đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho khách hàng tự quyết định.

Bị cáo Dương Thúy Hằng, một trong số 14 “chim mồi”, khai rằng được trả từ 500.000 đến 5 triệu đồng cho mỗi phi vụ. “Bị cáo được giao đi cùng xe với khách, ngồi gần trò chuyện. Khi nhân viên ra hiệu thì đặt cọc. Tiền cọc do nhân viên công ty đưa”, Hằng khai.

Theo điều tra, năm 2020, Tường đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư Môi giới Bất động sản Vạn Phúc. Từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2023, Tường thuê Nguyễn Văn An (29 tuổi) đứng tên thành lập Công ty Lộc Phúc và Công ty TNHH Bất động sản Green Link Real, trụ sở tại TP HCM, nhưng tất cả đều do Tường bỏ vốn và điều hành.

Dưới sự chỉ đạo của Tường, nhân viên Lộc Phúc và Green Link Real đã tung tin gian dối, tự in sơ đồ các dự án không có thật tại các xã An Phước (Long Thành cũ), Sông Thao, An Viễn (Trảng Bom cũ), Hưng Lộc (Thống Nhất cũ). Các bị cáo lấy hình ảnh và giá bán của các căn nhà đẹp trên mạng xã hội rồi sửa lại giá bán thấp hơn, giả làm “hàng” của mình, rồi đăng tải lên mạng. Nhân viên kinh doanh mua dữ liệu thông tin cá nhân để gọi điện mời chào mua nhà đất trên “sàn giao dịch”.

Vào chiều ngày 31/8/2023, khi Công ty Lộc Phúc chở hàng chục khách hàng về “sàn giao dịch” tại xã An Viễn, hàng trăm trinh sát đã ập vào khống chế, bắt quả tang Nguyễn Văn An và 122 nhân viên đang “diễn” cùng 20 người được thuê đóng giả khách hàng (chim mồi) đang tranh mua dự án.

Trong những ngày xét xử trước đó, bị cáo Tường phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra, cho rằng các hành vi và thủ đoạn để bán hàng là do cấp dưới thực hiện, còn mình chỉ đi mua đất và giao lại cho nhân viên bán. Tuy nhiên, các bị cáo là giám đốc sàn và nhân viên cấp dưới đã “phản bác”, khẳng định rằng lời khai của Tường là không đúng, và mọi chính sách và chiến lược hoạt động đều nhận từ chỉ đạo của “ông chủ”.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *