Trường Đại học Thăng Long vừa công bố mức điểm sàn xét tuyển cho năm 2025 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, áp dụng cho tất cả các ngành trừ Thanh nhạc và Thiết kế đồ họa. Mức điểm sàn năm nay dao động từ 16 đến 18, thấp hơn so với mức 19-22 của năm trước.
Cụ thể, ngành Luật Kinh tế có điểm sàn cao nhất là 18. Đối với các tổ hợp xét tuyển chỉ bao gồm môn Toán hoặc Ngữ văn, thí sinh cần đạt tối thiểu 6 điểm ở một trong hai môn này. Nếu tổ hợp có cả Toán và Ngữ văn, tổng điểm của hai môn phải từ 12 trở lên. Ngành Điều dưỡng có điểm sàn là 17, trong khi các ngành còn lại xét tuyển với mức điểm sàn 16.
Các mức điểm sàn trên đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (áp dụng cho các ngành có tổ hợp môn tính hệ số 1). Đối với các tổ hợp có môn Toán hoặc Tiếng Anh nhân hệ số 2, điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30 theo công thức: (điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm Toán/Tiếng Anh * 2) * 3/4 + điểm ưu tiên.

Đối với phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần đạt tối thiểu các chứng chỉ như IELTS 5.0, TOEFL iBT 45, HSK cấp 4 (HSKK 60), JLPT N3, hoặc TOPIK II cấp 3, đồng thời đáp ứng điều kiện về tổng điểm xét tuyển tương tự như phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, trường cũng công bố điểm sàn cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy. Với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), điểm sàn là 75/150. Điểm sàn cho bài thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội (SPT) là 15/30, và của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) là 50/100. Các mức điểm này không áp dụng cho ngành Thanh nhạc, Thiết kế đồ họa và Điều dưỡng.

Phương thức xét học bạ chỉ áp dụng cho ngành Điều dưỡng, yêu cầu hạnh kiểm và kết quả học tập năm lớp 12 từ loại khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5. Điểm trung bình lớp 10, 11 và 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 19,5/30, không có môn nào dưới 5.

Đối với ngành Thanh nhạc và Thiết kế đồ họa, phương thức xét học bạ và điểm thi năng khiếu yêu cầu thí sinh có hạnh kiểm lớp 12 từ loại khá trở lên, điểm trung bình ba năm THPT ở các môn Ngữ văn, Toán tối thiểu 5. Với ngành Thanh nhạc, điểm thi năng khiếu 1 (hát) phải đạt từ 8, năng khiếu 2 (thẩm âm + tiết tấu) từ 5 trở lên. Thí sinh xét tuyển ngành Thiết kế đồ họa cần đạt ít nhất 5 điểm môn năng khiếu.
Phương thức xét tuyển thẳng được áp dụng cho hai nhóm thí sinh. Thí sinh đạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận (giải thưởng không quá bốn năm tính tới thời gian xét tuyển) sẽ được tuyển thẳng vào ngành Thanh nhạc và Thiết kế đồ họa. Với các ngành còn lại, trường tuyển thẳng thí sinh đạt từ giải ba trở lên trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc cử tham gia (giải thưởng không quá ba năm tính tới thời gian xét tuyển).
Năm 2025, Đại học Thăng Long dự kiến tuyển 3.000 sinh viên, tăng 200 chỉ tiêu so với năm trước. Học phí dự kiến dao động từ 33,6 đến 48,9 triệu đồng một năm.
Năm ngoái, điểm chuẩn của trường dao động từ 19 đến 26,52, trong đó ngành Truyền thông đa phương tiện có điểm chuẩn cao nhất, tiếp theo là Luật Kinh tế, và ngành Điều dưỡng có điểm chuẩn thấp nhất.
Hiện tại, thí sinh có thể đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học đến 17h ngày 28/7, và nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ 29/7 đến 17h ngày 5/8. Điểm chuẩn đại học sẽ được công bố trước 17h ngày 22/8.
Admin
Nguồn: VnExpress