Trong bối cảnh mùa hè đang ở giai đoạn cao điểm, các doanh nghiệp Mỹ đồng thời phải đối mặt với áp lực hoàn tất đơn hàng và xác định giá sản phẩm cho mùa đông sắp tới. Điển hình như Balsam Hill, một công ty chuyên bán cây thông nhân tạo và đồ trang trí trực tuyến, đang có kế hoạch thu hẹp danh mục sản phẩm mới cho mùa lễ hội cuối năm. Nguyên nhân là do sự thay đổi liên tục của thuế nhập khẩu mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra, sau đó lại hoãn hoặc điều chỉnh.
Ông Mac Harman, CEO của Balsam Brands, công ty mẹ của Balsam Hill, chia sẻ: “Chúng tôi phải dành toàn bộ thời gian để điều chỉnh lại danh mục đặt hàng, nguồn gốc xuất xứ và thời gian hàng về kho.” Ông cũng thừa nhận rằng trong tình hình hiện tại, việc dự đoán sản phẩm nào sẽ được quảng cáo trước để kích cầu là một thách thức lớn.
Sự bất ổn kéo dài về việc sản phẩm từ quốc gia nào sẽ bị tăng thuế nhập khẩu và mức điều chỉnh cụ thể ra sao đã tạo ra một bóng mờ bao trùm lên mùa mua sắm cuối năm 2025 tại Mỹ. Thông thường, các nhà bán lẻ đã bắt đầu lên kế hoạch cho giai đoạn kinh doanh quan trọng này từ tháng 1 và chốt phần lớn đơn hàng trước cuối tháng 6.
Tuy nhiên, những thay đổi bất thường về thuế quan trong thời gian qua đã buộc họ phải tính toán lại toàn bộ chiến lược. Để tránh rủi ro liên quan đến thuế cao và hàng tồn kho, một số công ty đã quyết định thu gọn bộ sưu tập các mẫu mã mới. Trong khi đó, những công ty khác vẫn tiếp tục dự kiến giá bán, nhưng nhiều mặt hàng sẽ buộc phải tăng giá, với mức tăng cụ thể phụ thuộc vào các gói thuế trả đũa có hiệu lực từ tháng sau.
Ngành công nghiệp đồ chơi Mỹ, nơi có tới gần 80% nguồn cung đến từ Trung Quốc, đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà sản xuất thường bắt đầu tăng cường sản xuất từ tháng 4, nhưng năm nay quá trình này đã bị trì hoãn đến cuối tháng 5, sau khi Tổng thống Trump áp mức thuế 145% đối với hàng hóa “Made in China”. Mặc dù thuế quan sau đó đã giảm đáng kể nhờ thỏa thuận khung giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng vẫn còn đó những lo ngại về mùa lễ hội sắp tới.
Ông Greg Ahearn, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Đồ chơi, cho biết hoạt động sản xuất của các công ty vừa và nhỏ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, các nhà cung cấp đồ chơi từ Trung Quốc và các quốc gia khác liên tục thông báo về việc tăng giá. Ví dụ, Schylling, nhà sản xuất của Needoh, bộ sưu tập Care Bear và các phiên bản hiện đại của các món đồ chơi cổ điển như My Little Pony, đã tăng giá đơn hàng thêm 20%.

Ông Dean Smith, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng đồ chơi JaZams tại Princeton (New Jersey) và Lahaska (Pennsylvania), cho biết giá bán buôn của một số sản phẩm đã tăng tới 20%. Tuy nhiên, việc tăng giá bán tương ứng có thể khiến khách hàng e ngại.
Do đó, ông Smith đang tìm cách “duy trì biên lợi nhuận hợp lý mà không đẩy giá vượt quá ngưỡng mà người tiêu dùng có thể chấp nhận”. Ông đã chọn nhập mẫu lắp ráp Crazy Forts với giá rẻ hơn và loại bỏ phiên bản trẻ em của trò chơi bài Anomia vì không tin rằng khách hàng sẽ chấp nhận mức giá mới. “Tôi buộc phải loại bỏ một nửa số sản phẩm mà năm nào tôi cũng đặt mua,” ông nói.
Theo Phòng Thương mại Mỹ, hơn 97% nhà nhập khẩu hàng hóa của nước này là các doanh nghiệp nhỏ. Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn do thuế quan khiến chi phí nhập hàng tăng vọt. Một cuộc phỏng vấn trực tiếp của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) với 40 nhà bán lẻ trên toàn quốc vào đầu tháng này cho thấy các doanh nghiệp buộc phải tăng giá, thu hẹp danh mục sản phẩm hoặc chấp nhận chịu lỗ.
Bà Kathy Knack, chủ sở hữu hãng nội thất Kathy Knack Interiors tại bang Virginia, nhập hàng từ Việt Nam, Trung Quốc và Mexico, cho biết: “Với sự bất ổn từ thuế quan – lúc là 40%, sau lại vọt lên 145% – các nhà cung cấp của tôi không thể xác định được giá và tôi cũng vậy.”
Thuế quan biến động khiến hoạt động kinh doanh của họ trở nên khó khăn và gần như không thể lập kế hoạch, định giá hoặc mở rộng hoạt động. Mei-Lon Jimenez và Toni Jimenez, đồng sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Chica Beauty tại Texas, chia sẻ rằng phần lớn sản phẩm của họ được sản xuất tại Mỹ, nhưng một số nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu và giá cả đang tăng lên. “Mỗi lần chúng tôi điều chỉnh kế hoạch giống như đang nhắm vào một mục tiêu luôn di động,” bà Jimenez nhận xét.
Ngành bán lẻ Mỹ có thể sẽ phải ứng phó một cách bị động trước những tối hậu thư và gia hạn tạm thời về thuế quan từ Nhà Trắng. Tuần trước, Tổng thống Trump một lần nữa điều chỉnh mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Brazil, EU, Mexico và các đối tác thương mại lớn khác, tuyên bố sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Để tận dụng cơ hội trước thời điểm đó, Cảng Los Angeles đã ghi nhận tháng 6 bận rộn nhất trong suốt 117 năm hoạt động, khi các doanh nghiệp chạy đua nhập hàng cho mùa Giáng sinh. Giám đốc điều hành cảng, ông Gene Seroka, cho biết nhập khẩu trong tháng 7 cũng tăng mạnh. “Chúng tôi đang chứng kiến một đợt tăng nhập khẩu cao điểm nhằm đón đầu nguy cơ thuế suất tăng vào cuối mùa hè,” ông nói.
Từ đầu năm đến nay, nhịp độ hoạt động tại Cảng Los Angeles đã lên xuống theo các tuyên bố thuế quan của tổng thống, tức là chậm lại khi ông tăng thuế và bật tăng khi chính sách được tạm dừng.
“Với người tiêu dùng, điều này đồng nghĩa với việc ít lựa chọn hơn và giá cả cao hơn khi mùa lễ hội đến gần,” ông Gene Seroka nhận định.
Ông Dean Smith tại chuỗi JaZams tiết lộ rằng họ đã đặt hàng cho mùa lễ sớm hơn hai tháng so với thông lệ đối với “những mặt hàng thiết yếu cần đảm bảo mức giá phù hợp”. Họ cũng đã tăng gấp đôi diện tích kho. Ông thừa nhận rằng việc duy trì mức độ đa dạng sản phẩm đang trở nên khó khăn hơn từng ngày.
“Mục tiêu của chúng tôi là cùng khách hàng tạo ra niềm vui và năm nay chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm điều đó. Nhưng thực tế, chúng tôi không có đủ sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn,” ông thừa nhận, cho thấy những thách thức mà các nhà bán lẻ Mỹ đang phải đối mặt trong bối cảnh thuế quan bất ổn.
Admin
Nguồn: VnExpress