Mỹ rút khỏi UNESCO: Động thái và ảnh hưởng

Quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) của Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 12/2026, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce, UNESCO đang theo đuổi các mục tiêu văn hóa và xã hội gây chia rẽ, đồng thời quá tập trung vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Bà cho rằng chương trình phát triển quốc tế này mang nặng tính toàn cầu hóa và mâu thuẫn với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”.

Trước đó, Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly cũng nhấn mạnh rằng quyết định này xuất phát từ việc UNESCO ủng hộ “các mục tiêu văn hóa và xã hội quá cấp tiến, gây chia rẽ, hoàn toàn đi ngược những chính sách mà người Mỹ đã bỏ phiếu”.

Động thái này được xem là một đòn giáng mạnh vào UNESCO, tổ chức có trụ sở tại Paris, Pháp, được thành lập sau Thế chiến II với mục tiêu thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết bà không bất ngờ trước tuyên bố của Mỹ. Bà nói: “Tôi rất lấy làm tiếc về quyết định… rút Mỹ khỏi UNESCO. Dù đáng tiếc, thông báo này được dự đoán từ trước và UNESCO đã chuẩn bị cho điều đó”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce trong họp báo ngày 6/3. Ảnh: Reuters
Tammy Bruce (Bộ Ngoại giao Mỹ) họp báo ngày 6/3 (Ảnh: Reuters). Ảnh: Internet

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump từng rút Mỹ khỏi UNESCO, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, thỏa thuận khí hậu toàn cầu và thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược các quyết định này sau khi nhậm chức vào năm 2021, đưa Mỹ trở lại UNESCO, WHO và thỏa thuận khí hậu.

UNESCO được biết đến rộng rãi nhờ việc công nhận các Di sản Thế giới. Mỹ lần đầu tiên gia nhập UNESCO vào năm 1945, nhưng sau đó rút lui vào năm 1984 với cáo buộc tổ chức quản lý tài chính yếu kém và có tư tưởng thiên vị chống Mỹ. Gần 20 năm sau, vào năm 2003, dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã quay trở lại, với lý do UNESCO đã thực hiện các cải cách cần thiết.

Hiện tại, Washington đóng góp khoảng 8% tổng ngân sách của UNESCO, giảm đáng kể so với mức khoảng 20% vào thời điểm ông Trump lần đầu tiên rút Mỹ khỏi tổ chức này.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *