Tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, nhà hàng Wanhui đang đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ sau khi giới thiệu dịch vụ “ôm sư tử con” kèm bữa ăn có giá 150 USD. Dịch vụ này, bắt đầu từ tháng 6, nhanh chóng gây chú ý nhưng vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì bị cho là kỳ quặc, tiềm ẩn rủi ro và mang tính khai thác động vật hoang dã.
Hình ảnh thực đơn lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, ngoài bữa ăn chiều 4 món, khách hàng còn được “vui chơi với động vật”. Trên các nền tảng trực tuyến, nhà hàng Wanhui còn quảng bá sự xuất hiện của lạc đà không bướu, rùa và hươu, mặc dù chưa rõ hình thức tương tác cụ thể với những loài vật này. Những bức ảnh khách hàng ôm sư tử con chụp hình đã làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng động vật hoang dã cho mục đích giải trí.
Nhà hàng khẳng định rằng sư tử con không được nuôi trực tiếp tại nhà hàng mà được quản lý bởi người chăm sóc chuyên biệt ở một địa điểm không được tiết lộ.
Phần lớn các bình luận trên mạng xã hội đều bày tỏ sự phản đối gay gắt đối với dịch vụ này. Các tổ chức bảo vệ động vật cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Ông Jason Barker, Phó Chủ tịch cấp cao của tổ chức Đối xử Nhân đạo với Động vật (PETA), cho rằng việc tách sư tử con khỏi mẹ để phục vụ khách hàng vui chơi là hành vi lợi dụng, không phải giải trí. Ông nhấn mạnh: “Chúng là sinh vật sống có cảm xúc, không phải đạo cụ cho mạng xã hội.”
Ông Barker cũng chỉ trích việc đối xử với động vật non như “phụ kiện cho mạng xã hội”, không chỉ gây tổn thương cho động vật mà còn tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng.
Chuyên gia chính sách về Trung Quốc của tổ chức Humane World for Animals, ông Peter Li, nhận định rằng ngay cả sư tử con cũng có thể gây thương tích cho con người. Việc đối xử với động vật hoang dã như đạo cụ chụp ảnh là hành động vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
Một người yêu động vật cho rằng dịch vụ này hợp thức hóa việc khai thác động vật hoang dã vì mục đích giải trí và lợi nhuận, tương tự như nạn săn bắn thú để lấy chiến lợi phẩm. Vụ việc hiện đang được điều tra làm rõ.
Trước đó, một khách sạn ở Trung Quốc cũng từng bị lên án sau khi đưa gấu trúc đỏ – một loài động vật quý hiếm – vào phòng để đánh thức khách. Hoạt động này, được quảng bá là “độc lạ”, đã bị chỉ trích sau khi một cặp đôi du khách người Anh ghi lại trải nghiệm và chia sẻ lên mạng xã hội.

Cục Lâm nghiệp Trùng Khánh sau đó đã yêu cầu khách sạn chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức tiếp xúc gần giữa người và động vật, đồng thời cảnh báo về việc truy tố nếu tái phạm.
Được biết, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các hoạt động “tiếp xúc gần” với động vật hoang dã từ năm 2018, sau khi hình thức này được sử dụng rộng rãi để thu hút du khách và tạo nguồn thu.
Admin
Nguồn: VnExpress