Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, đội ngũ công nhân nhà máy đóng tàu Nampo quyết tâm hoàn thành chiếc khu trục hạm thứ ba thuộc lớp Choe Hyon vào ngày 10/10/2026, trùng với dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Ông Yun Chi-gol, quản lý xưởng Nampo, đã kêu gọi toàn thể công nhân nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. Mục tiêu này nhằm đáp ứng kế hoạch xây dựng “quân đội hùng mạnh” của đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời “bảo vệ vững chắc chủ quyền hàng hải bất khả xâm phạm và lợi ích quốc gia”.
Ông Yun cũng chia sẻ về những khó khăn mà nhà máy Nampo đã trải qua trong quá trình chế tạo chiếc khu trục hạm đầu tiên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng những thách thức này đã củng cố niềm tin vào khả năng “biến điều không thể thành phép màu” của đội ngũ công nhân.
Với lượng giãn nước 5.000 tấn, Choe Hyon được xem là chiến hạm lớn nhất và hiện đại nhất từng được chế tạo tại Triều Tiên. Mặc dù Bình Nhưỡng gọi đây là tàu khu trục, các chuyên gia phương Tây lại đánh giá nó tương đương với một tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng, có lượng giãn nước không thua kém các tàu chiến tối tân của châu Âu.

Điểm đáng chú ý của chiến hạm này là hệ thống vũ khí hiện đại với tổng cộng 74 ống phóng tên lửa thẳng đứng, được bố trí ở cả trước và sau thượng tầng. Để so sánh, tàu hộ vệ lớp Constellation đang được Mỹ phát triển chỉ có 32 ống phóng Mark 41, trong khi tàu khu trục lớp Arleigh Burke với lượng giãn nước trên 9.000 tấn được trang bị từ 90 đến 96 ống phóng.
Trước đó, vào tháng 4, Triều Tiên đã hạ thủy thành công chiếc Choe Hyon đầu tiên tại xưởng đóng tàu Nampo. Tuy nhiên, chiếc thứ hai mang tên Kang Kon đã gặp sự cố trong quá trình hạ thủy tại xưởng Chongjin vào ngày 21/5. Sự cố khiến một phần đáy tàu bị hư hại, mũi tàu mắc kẹt trên bờ, còn đuôi tàu bị lật nghiêng và chìm dưới nước.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của sự cố có thể là do Triều Tiên còn thiếu kinh nghiệm trong việc hạ thủy các tàu chiến cỡ lớn theo phương ngang, chứ không phải do bản thân dòng tàu Choe Hyon gặp vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Sau quá trình sửa chữa, tàu Kang Kon đã được hạ thủy trở lại vào ngày 12/6.
Giới quan sát nhận định rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tập trung nguồn lực để phát triển hải quân Triều Tiên thành một lực lượng có khả năng tác chiến xa bờ, nhằm tăng cường sức mạnh và khả năng răn đe trước các đối thủ.
Admin
Nguồn: VnExpress