Cần Thơ đối thoại: Gỡ vướng thủ tục cho doanh nghiệp

Ngày 23/7, lãnh đạo TP Cần Thơ đã tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và triển khai dự án trên địa bàn.

Đại diện Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris phản ánh vướng mắc của dự án tại buổi họp mặt ngày 23/7. Ảnh: An Bình
Vinataba – Philip Morris phản ánh vướng mắc dự án tại Cần Thơ. Ảnh: Internet

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề đã được các doanh nghiệp thẳng thắn nêu ra. Đại diện Công ty TNHH Vinataba – Philip Morris (phường Cái Răng) cho biết, từ năm 2010, công ty đã triển khai dự án hợp tác liên doanh giữa Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và Tập đoàn Philip Morris. Đến năm 2014, dự án mở rộng sản xuất với quy mô 20.000 m2 đã được UBND TP Cần Thơ chấp thuận. Sau khi hoàn tất đền bù, giải phóng mặt bằng với chi phí hơn 18,3 tỷ đồng vào năm 2016, dự án lại gặp vướng mắc về thủ tục điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư, thuê đất mở rộng và cập nhật quy hoạch sử dụng đất. Mặc dù UBND TP Cần Thơ đã điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất vào giữa năm 2023 và Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã cập nhật vị trí khu đất vào quy hoạch sử dụng đất của quận Cái Răng, song đến tháng 3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường lại cho rằng việc mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh của công ty chưa đảm bảo quy định, do đó không có cơ sở cho thuê đất. Đại diện công ty mong muốn địa phương hỗ trợ tháo gỡ để dự án sớm được triển khai.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết trước đây UBND TP Cần Thơ đã giao cho UBND quận Cái Răng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục, tuy nhiên có sơ suất khi chưa thông qua HĐND quận về việc thu hồi đất. Ông Sơn thông tin thêm, vào tháng 4, một lãnh đạo UBND thành phố đã giao lại cho quận để điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024. Sau sáp nhập, phường Cái Răng sẽ tiếp tục thực hiện công việc này, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ông Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ty TNHH Vinataba – Philip Morris, một doanh nghiệp đóng góp từ 500 đến 600 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm.

Ngoài trường hợp của Vinataba – Philip Morris, đại diện Công ty Trung An cũng phản ánh về sự chậm trễ trong thủ tục thực hiện dự án nhà máy điện rác tại Cần Thơ. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao, phát thải thấp đề nghị chính quyền sớm phê duyệt dự án để liên kết với nông dân và tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội bày tỏ khó khăn trong việc tiếp cận gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng từ ngân hàng. Hợp tác xã du lịch Cồn Sơn cũng gặp vướng mắc trong thủ tục thuê đất bãi bồi, diện tích mặt nước, khiến việc mở bến ghe tàu đón khách du lịch gặp khó khăn.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình ghi nhận những ý kiến đóng góp và cho rằng có thể vẫn còn nhiều khó khăn khác mà doanh nghiệp chưa mạnh dạn phản ánh. Ông kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân tích cực góp ý để thành phố có thể điều chỉnh và phối hợp tốt hơn. Ông yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc cho dự án của Công ty TNHH Vinataba – Philip Morris để không còn tái diễn tình trạng này trong các buổi họp sau. Đồng thời, ông chỉ đạo xem xét giải quyết nhanh chóng hồ sơ dự án nhà máy điện rác, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch Cồn Sơn, giải quyết vấn đề thiếu nước sạch và có phương án chống sạt lở để người dân yên tâm sinh sống và làm ăn.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình trao đổi với các doanh nghiệp dự họp mặt ngày 23/7. Ảnh: An Bình
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình trao đổi với các doanh nghiệp dự họp mặt ngày 23/7.
Ảnh: An Bình. Ảnh: Internet

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Về định hướng phát triển dài hạn, ông Bình cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi sẽ thuê tư vấn tầm cỡ quốc tế để quy hoạch lại TP Cần Thơ nhằm phát triển hiện đại, xứng tầm là đô thị trung tâm, động lực phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long”. Ông cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân để làm ăn và phát triển bền vững.

Trước đó, theo thông tin về việc sáp nhập, TP Cần Thơ sau khi hợp nhất với hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng sẽ trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương với 103 xã, phường, diện tích tự nhiên hơn 6.360 km2, đứng thứ ba ở miền Tây và thứ 19 cả nước. Thành phố mới dự kiến có dân số gần 4,2 triệu người, quy mô kinh tế gần 282.000 tỷ đồng và hơn 18.000 doanh nghiệp.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *