Năm ấy, tôi đã suýt chạm tay vào cánh cửa Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ thiếu vỏn vẹn nửa điểm. Một sự cố hiếm hoi, đặc biệt đối với một học sinh chuyên Toán của trường Chuyên Bắc Giang như tôi.
Gia đình chìm trong bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt đến khó thở. Tôi thu mình trong nhà, tránh né bạn bè, hàng xóm, âm thầm chịu đựng nỗi đau tinh thần dai dẳng từ những lời xì xào “dân chuyên Toán mà trượt đại học”.
Để nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh này, tôi quyết định nhập học hệ Cao đẳng của Đại học Bách khoa, mặc cho nguy cơ có thể mãi mãi không thể bước chân vào giảng đường đại học.

Lẽ ra tôi nên ở lại, ôn thi thêm một năm, chấp nhận thêm một năm những ánh mắt dò xét và lời bàn tán. Nhưng nếu không rời đi, tôi sợ mình sẽ lụi tàn, đánh mất ý chí.
Học Cao đẳng là một lựa chọn bất đắc dĩ, từng bị tôi xem là một “thất bại kinh khủng” so với bạn bè đồng trang lứa. Tất cả những “cay đắng” từ sự kiện này đã trở thành chất liệu để tôi viết nên truyện ngắn “Vào đời” năm 2024, ghi lại hành trình rời quê lên Hà Nội. Khoảnh khắc chiếc xe khách từ Bắc Giang thả tôi cùng chiếc xe đạp cũ kỹ và chiếc hòm tôn xuống ngã ba Phố Vọng, tôi biết mình đã thực sự đặt chân vào đời. Về sau, tôi nhận ra đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc đẹp đẽ và đáng tự hào nhất trên con đường trưởng thành của mình.
Sau những phút bỡ ngỡ giữa phố phường, tôi hít một hơi thật sâu, leo lên xe đạp tìm chỗ trọ và bắt đầu những ngày vừa học, vừa làm thêm. Vừa lo lắng cho tương lai, tôi vừa háo hức vì được tự quyết định cuộc sống của mình. Trong những ngày tháng khó khăn ấy, tôi dần hiểu ra: tự do không phải là được làm mọi điều mình muốn, mà là đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn của mình.
Vì sao ư? Bởi không ai học được cách đi mà chưa từng vấp ngã, không ai thực sự trưởng thành nếu chưa từng đưa ra một quyết định sai lầm nào đó trong đời. Thế nhưng, xã hội, gia đình, thậm chí cả bản thân ta lại thường coi sai lầm là một điều đáng xấu hổ, là thứ phải che giấu, né tránh. Chính những “vết xước” ấy mới mang đến những bài học kinh nghiệm quý báu. Sai lầm không phải là dấu chấm hết, mà là một bước ngoặt – nơi ta dừng lại để nhìn nhận bản thân, để hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng.
Nhà văn đoạt giải Nobel Samuel Beckett từng có một câu nói nổi tiếng: “Fail, fail again, fail better” (Thất bại, thất bại nữa, nhưng mỗi lần là một thất bại tốt hơn).
Beckett dành cả cuộc đời để viết về những nhân vật vấp ngã, lạc lối, mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự bất lực. Nhưng ông không hề chế giễu họ. Ngược lại, ông ca ngợi họ bằng sự im lặng, bằng lòng kiên trì phi lý và một phẩm giá thầm lặng. Thất bại, rồi lại thất bại, nhưng mỗi lần là một thất bại tốt hơn.
Tôi cũng hiểu rằng, trong xã hội ngày nay, khi áp lực ngày càng gia tăng, khi gia đình và nhà trường quá coi trọng điểm số, học sinh thường thiếu một không gian an toàn để được phép thất bại mà không bị phán xét. Thế giới luôn cần những người dám thử, dám làm lại – dám “fail better”. Đại học không phải là con đường duy nhất. Nếu cánh cửa này đóng lại, bạn vẫn có chìa khóa để mở ra những lối đi khác.
Mới đây, một độc giả thuộc thế hệ 7X, sau khi đọc truyện ngắn “Vào đời”, đã chia sẻ rằng chị không biết mình có đang tước đi quyền được trải nghiệm, quyền được nếm trải khó khăn, được chịu đựng áp lực của con mình hay không.
Tôi thấu hiểu sâu sắc những nỗi lo lắng, sợ hãi và bất an vô hình mà các bậc cha mẹ Việt Nam đang gánh chịu – không chỉ vì tình yêu dành cho con cái, mà còn vì những vết thương chưa lành từ quá khứ.
Rất nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là thế hệ sinh ra trong và sau chiến tranh, lớn lên trong cảnh thiếu thốn, bất ổn và những biến động lịch sử liên miên: từ chiến tranh, cải cách, bao cấp đến khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1990. Họ từng đói khổ, từng chứng kiến những ước mơ bị vùi dập bởi hoàn cảnh, bởi lý lịch, bởi “không có bằng cấp”. Những di chứng ấy – dù không ai nói ra – vẫn âm ỉ truyền qua từng nhịp thở, từng ánh mắt lo âu dành cho con cái hôm nay. Nỗi sợ “nó trượt thì đời sẽ khổ như mình ngày xưa” trở thành một nỗi ám ảnh di truyền, khiến họ không chỉ muốn con thành công, mà phải thành công ngay lập tức – để bù đắp cho những tháng năm đã mất. Nhưng đôi khi, trong cơn cuống cuồng chạy trốn quá khứ, ta vô tình đẩy con vào một tương lai không thuộc về chúng.
Tôi không trách cha mẹ mình. Ngược lại, tôi biết ơn vì đã nhìn thấy trong họ – dù trải qua bao nhiêu đau khổ vẫn giữ được lòng yêu thương, trắc ẩn, dù chưa kịp học cách yêu thương đúng đắn. Và cũng chính từ sự thấu hiểu đó, tôi mới có thể tha thứ cho quá khứ và dũng cảm bước tiếp về phía tương lai.
Chỉ tình thương bản năng thôi, rất có thể sẽ trở thành chiếc vòng kim cô tinh thần trói buộc chính những đứa con của mình, không cho chúng được suy nghĩ độc lập, được va vấp, được thử và sai, được thất bại, được lớn lên và trưởng thành.
Admin
Nguồn: VnExpress