“Hà Nội mùa đông năm 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một tác phẩm điện ảnh tái hiện chân thực những ngày cuối cùng của Hà Nội trước sự kiện Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Bộ phim không chỉ khắc họa bối cảnh lịch sử mà còn đi sâu vào khai thác khả năng đối nội, đối ngoại của chính phủ lâm thời trong giai đoạn đầy biến động.
Bối cảnh phim diễn ra sau khi cuộc đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc phải ký tạm ước với Pháp để có thời gian chuẩn bị cho những tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999, “Hà Nội mùa đông năm 46” đã gặt hái được nhiều thành công vang dội, bao gồm giải Bông Sen Bạc, giải Đạo diễn xuất sắc (Đặng Nhật Minh), giải Quay phim xuất sắc (Vũ Quốc Tuấn), giải Họa sĩ xuất sắc (Phạm Quốc Trung) và giải Nhạc sĩ xuất sắc (Ðỗ Hồng Quân).
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ rằng, ý tưởng thực hiện bộ phim nảy sinh từ những cảm xúc sâu sắc sau khi ông nghiên cứu các tài liệu về thời chiến. Ông cũng muốn dành tặng tác phẩm này cho người cha của mình, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã từ Nhật Bản trở về nước tham gia kháng chiến vào năm 1949. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ nổi tiếng với công trình nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất thuốc kháng sinh penicillin và streptomycin, góp phần quan trọng trong việc điều trị nhiễm khuẩn.
Trong phim, nghệ sĩ Tiến Hợi đã hóa thân vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tuổi 56. Ông đã thể hiện được sự gần gũi, giản dị nhưng vẫn toát lên phong thái của một vị lãnh tụ trong thời khắc lịch sử đầy cam go. Diễn xuất của Tiến Hợi tập trung vào ánh mắt, dáng đi, giọng nói và cách thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật, qua đó làm nổi bật những trăn trở của Bác về vận mệnh dân tộc.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nhớ lại rằng, trong quá trình quay phim, nghệ sĩ Tiến Hợi luôn tự chuẩn bị đạo cụ cho vai diễn. Từ đôi dép cao su đến bộ quần áo và chiếc mũ cối, tất cả đều được ông trân trọng và gìn giữ.
Nghệ sĩ Tiến Hợi đã hơn 40 lần đảm nhận vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình và các chương trình lễ hội, kỷ niệm. Năm 2013, ông được Tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ qua nhiều thể loại nhất. Đáng tiếc, ông đã qua đời vào tháng 2/2022 ở tuổi 63 sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư phổi.
Trong phim, Ngô Quang Hải vào vai Lâm, một cựu sinh viên luật khoa, thành viên vệ quốc quân, sau đó trở thành thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là đặc phái viên giao thiệp với phái đoàn Pháp. Nhân vật Lâm mang trong mình những giằng xé giữa lý tưởng cách mạng và khát vọng cá nhân.
Võ Hoài Nam thủ vai Toản, bạn của Lâm, một cán bộ cách mạng trẻ, quyết liệt và dấn thân. Dù không xuất hiện nhiều, nhân vật Toản vẫn để lại ấn tượng sâu sắc qua những phân đoạn thể hiện tinh thần gan dạ, đặc biệt là khi hy sinh để cứu một em bé.
Mai Thu Huyền vào vai Huệ, nhân vật được lấy cảm hứng từ bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân. Huệ tình cờ gặp họa sĩ Hân (do Quốc Tuấn đóng) và trở thành nàng thơ trong tác phẩm để đời của ông.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn hóa thân thành họa sĩ Hân, một người say mê sáng tác ngay giữa thời điểm Hà Nội đang căng thẳng. Nhân vật Hân đại diện cho giới trí thức, nghệ sĩ, những người âm thầm ghi lại hình ảnh đất nước và con người trong thời khắc lịch sử quan trọng.
Nghệ sĩ Ưu tú Hoa Thúy vào vai Hương, một ca sĩ phòng trà mang nét dịu dàng, u buồn, phản ánh tâm trạng của phụ nữ thành thị trước những biến động thời cuộc.
Quách Thu Phương đảm nhận vai Lê, vợ của Lâm. Nhân vật này đại diện cho những người phụ nữ phải đối mặt với nỗi đau sinh nở, chia ly và hiểm nguy giữa bom đạn.
“Hà Nội mùa đông năm 46” không chỉ là một bộ phim lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc, khắc họa sâu sắc những con người và sự kiện trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc.
Admin
Nguồn: VnExpress