Sau cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam Israel ngày 7/10/2023, khơi mào chiến dịch đáp trả mạnh mẽ của Israel vào Dải Gaza, các lãnh đạo Hamas tin rằng những thiệt hại nặng nề là cái giá phải trả cho cuộc chiến giành quyền tự quyết.
Khalil al-Hayya, một thành viên cấp cao của Hamas, từng tuyên bố tại Doha, Qatar vào tháng 11/2023 rằng: “Chúng tôi cần thay đổi cục diện. Chúng tôi đã thành công đưa vấn đề Palestine trở lại trung tâm và không ai ở Trung Đông có thể làm ngơ nữa.”
Tương tự, Taher El-Nounou, cố vấn truyền thông của Hamas, bày tỏ tin tưởng rằng thế giới Arab sẽ đoàn kết ủng hộ họ.
Ibrahim Madhoun, một nhà phân tích tại Gaza có quan hệ mật thiết với Hamas, tiết lộ rằng giới lãnh đạo Hamas khi đó dự đoán cuộc chiến sẽ không kéo dài quá một năm. Họ tin rằng Israel sẽ phải rút quân do tổn thất lớn, còn Hamas sẽ đứng vững nhờ sự hậu thuẫn từ các đồng minh khu vực.
Tuy nhiên, những tính toán này đã sai lầm. Cuộc chiến đã kéo dài 20 tháng mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Các lực lượng dân quân Trung Đông ủng hộ Hamas cũng suy yếu sau các cuộc giao tranh với Israel. Ngay cả Iran, quốc gia hậu thuẫn chính cho “Trục Kháng chiến” ủng hộ Hamas, cũng chịu nhiều thiệt hại.
Oded Ailam, cựu sĩ quan tình báo cấp cao Israel, nhận định rằng Hamas đang gặp khó khăn về tài chính, không thể trả lương đầy đủ cho các tay súng và không đủ khả năng xây dựng lại các đường hầm, trung tâm chỉ huy đã bị phá hủy.
Mohammed Sinwar, chỉ huy quân sự của Hamas, trước khi bị tiêu diệt trong một cuộc không kích vào tháng 5, đã ẩn náu trong một căn hầm đơn sơ dưới một bệnh viện ở phía nam Gaza. Căn hầm này khác xa so với khu phức hợp ngầm kiên cố mà quân đội Israel từng phát hiện ở phía bắc Gaza, với các phòng ốp gạch trắng, cửa chống cháy nổ và hệ thống thông gió hiện đại.

“Hamas không còn khả năng xây dựng lại đường hầm, không thể trả lương cho các thành viên chủ chốt, họ chỉ đơn giản là đang cố gắng tồn tại”, Ailam nói.

Một quan chức quân sự Israel cho biết Hamas đã mất 90% lãnh đạo và 90% kho vũ khí trong cuộc xung đột.
Theo một cảnh sát Hamas và hai người dân Gaza, chính quyền Hamas không còn khả năng trả lương cho lực lượng an ninh, nhân viên hành chính hay chi trả trợ cấp cho gia đình các tay súng đã thiệt mạng.
Madhoun nhận định tình trạng khó khăn này xuất phát từ việc Hamas đã không dự đoán được cuộc chiến kéo dài và không chuẩn bị đủ nguồn lực.
Khi nguồn lực cạn kiệt, Hamas buộc phải cắt giảm chi phí hành chính và lương bổng. Nhóm cũng tìm cách huy động quyên góp từ cộng đồng địa phương và các mối quan hệ, nhưng nguồn thu này không đáng kể.
Trước xung đột, Hamas chủ yếu dựa vào việc đánh thuế hàng hóa thương mại vào Gaza và kiểm soát hàng viện trợ.
Một nhà thầu từng làm việc tại các cửa khẩu biên giới cho biết Hamas thường xuyên thu khoảng 6.000 USD từ các thương nhân địa phương, đe dọa tịch thu xe tải nếu họ không trả tiền.
Một phóng viên kinh tế cho biết trước chiến sự, nhiên liệu và thuốc lá là những mặt hàng bị đánh thuế cao nhất, mang lại lợi nhuận lớn nhất cho chính quyền Hamas. Một doanh nhân Gaza tiết lộ Hamas đã áp thuế ít nhất 20% đối với nhiều mặt hàng.
Khi chiến sự nổ ra, Hamas còn kiếm tiền bằng cách cho phép các thương nhân thân cận bán các mặt hàng thiết yếu với giá cao.
Phóng viên kinh tế Gaza, người yêu cầu giấu tên vì lo sợ bị trả đũa, xác nhận thông tin này. Ông cho biết Hamas đôi khi hạn chế nguồn cung bằng cách trì hoãn phân phối hàng viện trợ, đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, khi Israel phong tỏa hàng viện trợ vào Gaza từ tháng 3, doanh thu của Hamas đã giảm mạnh. Một quan chức quân sự Israel cho biết Tel Aviv và Washington đã thành lập Quỹ Nhân đạo để hỗ trợ lương thực cho khu vực, càng làm giảm nguồn thu quan trọng của Hamas.

Dưới áp lực quân sự và tài chính ngày càng tăng, Hamas đang đối mặt với sự suy giảm niềm tin từ những người ủng hộ ở Gaza.
Rami, một nhân viên 40 tuổi làm việc cho chính quyền do Hamas điều hành, cho biết sự tức giận trên đường phố Gaza khác biệt rõ rệt so với tinh thần lạc quan ban đầu, khi người dân tin rằng họ đang tiến gần đến “giải phóng Palestine hoặc đạt được một thắng lợi lớn”.
“Những đánh giá sai lầm của Hamas và việc họ không lường trước hậu quả từ xung đột đã góp phần đáng kể dẫn tới thảm họa hiện nay”, Rami nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Adam Boehler, đặc phái viên Mỹ về vấn đề con tin ở Gaza, ngày 21/7 đã hối thúc Hamas chấp nhận thỏa thuận với Israel, phóng thích những con tin còn lại để chấm dứt cuộc chiến.
Các bên trung gian gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập đang chờ đợi phản hồi từ Hamas về đề xuất ngừng bắn, theo đó Hamas sẽ trả tự do cho 10 con tin còn sống và trao trả 18 thi thể con tin. Tuy nhiên, Hamas vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Admin
Nguồn: VnExpress