Brain-Life, một startup chuyên về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ não – máy tính (BCI), vừa giới thiệu thiết bị mang tên Brain-Life Focus+. Thiết bị không xâm lấn này sử dụng hệ thống cảm biến điện não đồ (EEG), cảm biến quang học đo lưu lượng máu não (fNIRS) và cảm biến đo nhịp tim (PPG) để thu thập dữ liệu về sóng điện não, lưu lượng máu não và nhịp tim của người dùng.
Theo Brain-Life, các chỉ số thu thập được sẽ phản ánh trạng thái tập trung, mệt mỏi, căng thẳng hoặc kiệt sức của người dùng, từ đó đưa ra những cảnh báo chuyên sâu.
Tiến sĩ Vi Chí Thành, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Brain-Life, cho biết Focus+ khác biệt so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường. Ông giải thích: “Không giống như đồng hồ thông minh chỉ đo nhịp tim hay giấc ngủ, thiết bị này cho phép ‘lắng nghe’ hoạt động não bộ theo thời gian thực – một công nghệ trước đây chỉ có trong các phòng thí nghiệm thần kinh.”
Ông Thành nhận định, phần lớn các giải pháp công nghệ về sức khỏe tinh thần hiện có trên thị trường Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc theo dõi giấc ngủ, đếm bước chân hoặc cung cấp các nội dung tĩnh như thiền định hay bài tập thở. Chúng thiếu khả năng phản hồi theo thời gian thực và không thể đo lường chính xác trạng thái tâm lý, đặc biệt là các vấn đề như căng thẳng, quá tải hoặc mất tập trung. Đây đều là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập, làm việc và cuộc sống hàng ngày.
“Focus+ là một thiết bị đeo kết hợp EEG, fNIRS và PPG với trí tuệ nhân tạo để đo lường trạng thái tâm trí theo thời gian thực,” ông Thành giải thích. Ông cũng nhấn mạnh rằng vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân được ưu tiên hàng đầu theo tiêu chuẩn châu Âu, và bên thứ ba sẽ không được phép xem xét dữ liệu nếu không có sự cho phép bằng văn bản của người dùng.
Nguyên mẫu của Focus+ có dạng vòng đeo đầu, tích hợp hệ thống cảm biến để đo các chỉ số sóng não, tuần hoàn não và nhịp tim, từ đó ghi lại dữ liệu sinh lý trong thời gian thực. Dữ liệu này sau đó được truyền đến ứng dụng trên điện thoại thông minh, nơi AI đa mô hình (Multimodal AI) sẽ phân tích thông qua đám mây và trả về kết quả theo thời gian thực, chỉ trong vòng 600 mili giây.
Tiến sĩ Thành cho biết, do kết quả được phân tích từ não bộ thay vì dựa vào nhịp tim như các thiết bị đeo thông minh khác, độ chính xác của Focus+ cũng cao hơn. Thiết bị hiện đang được thử nghiệm tại một số viện nghiên cứu và bệnh viện ở Anh, Mỹ và Việt Nam, với kết quả được đánh giá là “có độ chính xác tương đương với máy y tế chuyên dụng” nhưng với mức giá thấp hơn.

Mặc dù các cảm biến chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài, toàn bộ quy trình xây dựng và phát triển Focus+ được thực hiện tại Việt Nam bởi đội ngũ nghiên cứu và kỹ sư trong nước kết hợp với các chuyên gia quốc tế. “Chúng tôi có đội ngũ 30 nhân sự, trong đó một phần ba là tiến sĩ. Các chuyên gia của chúng tôi không chỉ làm việc tại Việt Nam mà còn ở Anh và châu Âu,” ông Thành cho biết.

Brain-Life đang trong quá trình thu nhỏ kích thước của nguyên mẫu Focus+ để người dùng có thể đeo thoải mái hơn, đồng thời bổ sung thêm nhiều tính năng mới. Thiết bị có thể được đeo bất cứ khi nào thuận tiện, với thời lượng pin khoảng bốn tiếng và thời gian sạc hai tiếng.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Diễm Khuê, công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đồng thời là Phó tổng thư ký Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, Phó chủ tịch Chi hội Bệnh lý Mất ngủ và Chi hội Ngáy – Ngưng thở khi ngủ, đã thử nghiệm Focus+ trong vài tuần. Trong quá trình thử nghiệm các trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi tự do và tập trung, bác sĩ Khuê đã so sánh dữ liệu từ Focus+ với tín hiệu điện não (EEG) của máy Natus, một thiết bị được sử dụng trong chẩn đoán y khoa. Kết quả cho thấy Focus+ “bắt” được các mẫu tương tự như Natus trong cả ba trạng thái.
“Các chỉ số cho thấy Focus+ có thể phát hiện các băng tần cơ bản. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhiễu ở một số trạng thái vận động phức tạp,” bác sĩ Khuê nhận xét. “Nhìn chung, khảo sát tín hiệu giữa Focus+ và máy EEG trong chẩn đoán y khoa cho thấy sản phẩm có tiềm năng trở thành một thiết bị di động theo dõi trạng thái nhận thức cho người dùng ở một số mức độ nhất định.”
Brain-Life đã giới thiệu giải pháp này cho các bệnh viện, trường đại học và phòng nghiên cứu, với hơn 20 khách hàng đã mua sản phẩm. Công ty cũng có kế hoạch sản xuất đại trà Focus+ vào đầu năm 2026 với giá dự kiến từ 3 đến 5 triệu đồng.

Ông Thành cho biết thêm rằng Focus+ đang trong quá trình xin chứng nhận từ Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) và đáp ứng một số tiêu chuẩn quan trọng khác tại các thị trường trên toàn cầu.
Brain-Life được thành lập vào tháng 1 năm 2024 bởi ba tiến sĩ Vi Chí Thành, Nguyễn Đào và Trần Xuân, có trụ sở tại TP HCM. Tiến sĩ Vi Chí Thành tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Bristol (Anh) năm 2014 và quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp. Ông là tác giả của 45 công trình nghiên cứu khoa học, từng giành giải Best Paper tại hội nghị quốc tế về tương tác giữa công nghệ với người dùng ACM CHI, và hiện là giảng viên tại Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Sussex (Anh).
Admin
Nguồn: VnExpress