Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan soạn thảo tập trung vào việc hoàn thiện các dự án luật quan trọng, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn và tạo động lực phát triển cho đất nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phòng ngừa ma túy từ sớm, từ xa, thể chế hóa quan điểm mới về người nghiện và thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Thủ tướng yêu cầu chú trọng công tác phòng ngừa, coi đây là yếu tố then chốt thay vì chỉ tập trung vào xử lý hậu quả. Theo Thủ tướng, việc kiểm soát số lượng người nghiện có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự gia tăng của tội phạm ma túy. “Ngăn chặn người nghiện là ngăn chặn phát triển nguồn cầu,” Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng yêu cầu thể chế hóa quan điểm mới của Đảng, coi “người đã nghiện ma túy là phạm tội” để có cơ sở pháp lý xử lý phù hợp. Tuy nhiên, cần đảm bảo tính nhân đạo, đặc biệt đối với trẻ vị thành niên nghiện ma túy, để các em được bảo đảm quyền học tập và rèn luyện. Hiện nay, Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện là người bệnh cần được hỗ trợ cai nghiện. Dự thảo luật sửa đổi đang đề xuất thay đổi cách tiếp cận, coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt tù nếu thuộc một trong các trường hợp nhất định.
Trong lĩnh vực hàng không, Thủ tướng yêu cầu ban soạn thảo dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam mở rộng không gian huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển các hãng hàng không, cảng hàng không, logistics và đô thị sân bay.
Đối với dự án Luật Thương mại điện tử, Thủ tướng yêu cầu bám sát thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhưng phải vận dụng sáng tạo, phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Đồng thời, cần thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với thuốc và thực phẩm.

Đối với Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng yêu cầu luật phải góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích học tập suốt đời. Các chuyên ngành đặc thù như pháp y, truyền nhiễm, nghệ thuật cần có chính sách đãi ngộ phù hợp. Việc công nhận trình độ đào tạo, học hàm, học vị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để linh hoạt và hiệu quả hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là đưa thể chế “từ điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành động lực phát triển và lợi thế cạnh tranh quốc gia. Các dự thảo luật phải đi đầu trong cắt giảm thủ tục hành chính, khâu trung gian và xóa bỏ tình trạng “cấp trên hợp thức hóa cho cấp dưới”.
Admin
Nguồn: VnExpress